Làm mới từ bóng đá trẻ

Đội tuyển U23 Việt Nam với đội hình có đến 16 cầu thủ thuộc lứa U20 sẽ chơi trận chung kết Giải vô địch U23 Đông Nam Á lần thứ 2 liên tiếp vào hôm nay 26-8.

Dù không đặt mục tiêu phải bảo vệ thành công chức vô địch, nhưng sự kỳ vọng đặt vào thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn là không nhỏ. Với việc vào chung kết, có thể nói là quá trình xây dựng tuyến kế cận cho đội tuyển quốc gia vẫn khá ổn định.

Tuy nhiên, với nhiều nhà chuyên môn, việc bóng đá trẻ Việt Nam giữ được sự ổn định về thành tích không hẳn là điều đáng mừng, vì dễ dẫn đến một trạng thái khá nguy hiểm trong bóng đá, đó là sự sớm tự mãn dẫn đến nỗ lực về sau cũng chỉ ở mức vừa đủ.

Tác giả Jim Collins (Mỹ) trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” đã chỉ ra: tốt là kẻ thù của vĩ đại, vì nếu mỗi cá nhân và tập thể luôn cảm thấy mình đã đủ tốt và không cần phải phấn đấu thì sẽ không thể chạm đến ngưỡng cửa của sự vĩ đại. Trong khi đó, chính HLV Philippe Troussier của đội tuyển quốc gia lại liên tục đưa ra đề nghị phải tăng thêm số trận đấu cho các cầu thủ trẻ nhằm hướng đến mục tiêu giành vé dự vòng chung kết World Cup trong tương lai. Nói cách khác, việc đoạt HCV SEA Games, hay vô địch Giải U23 Đông Nam Á, trên thực tế cũng chỉ giúp chúng ta khẳng định vị thế số 1 khu vực, nhưng chưa giải được bài toán làm sao vươn đến tốp đầu châu Á.

Chính bóng đá Thái Lan cũng đã rơi vào hoàn cảnh này. Họ là đội bóng có số lần vô địch SEA Games lẫn AFF Cup nhiều nhất, nhưng 30 năm qua, tính từ SEA Games 1993, họ vẫn không thể vào được tốp 10 châu Á. Thậm chí, họ cũng chưa từng vào chung kết một giải U châu lục, hoặc giành vé dự vòng chung kết World Cup trẻ, như bóng đá Việt Nam đã từng làm được. Năm 1998, thứ hạng FIFA của họ là 43, nhưng đến năm 2014 lại rớt xuống tận hạng 163. Điều này cho thấy Thái Lan đã không tận dụng tốt giai đoạn cực thịnh của mình (1993-1999) với thế hệ ngôi sao Kiatisak để tiếp tục phát triển.

Trong kinh tế có thuật ngữ “bẫy thu nhập trung bình”, thì bóng đá cũng vậy nếu không tận dụng tốt thời cơ và có sự thay đổi mang tầm chiến lược cho tương lai. Trong giai đoạn HLV Park Hang-seo cầm quân, bóng đá Việt Nam đã rơi vào trạng thái này. Nếu trước có nỗi ám ảnh HCV SEA Games, thì sau lại có “di sản” U23 châu Á - Thường Châu 2018, khiến các lứa cầu thủ U Việt Nam luôn mang trên mình gánh nặng thành tích cho dù đó không phải là mục tiêu quan trọng nhất của các giải đấu dành cho những đội tuyển kỳ vọng này. Chúng ta luôn dùng các cầu thủ tốt nhất, tận dụng tối đa giới hạn tuổi nhằm chiến thắng những đấu trường bóng đá tuổi U dù về lý thuyết, điều đó chưa bảo đảm thành công của tương lai.

Việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trao quyền dẫn dắt U23 Việt Nam tại Giải U23 Đông Nam Á cũng như Asiad cho một HLV chuyên dẫn dắt các đội U19, U17 như ông Hoàng Anh Tuấn cho thấy đã xuất hiện góc nhìn mới về nhiệm vụ của đội trẻ. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần một cách tiếp cận khác khi bàn đến những mục tiêu cho các đội bóng đá U23. Rất khó có một đội U23 mạnh nếu phần lớn các cầu thủ không được đá ở giải đấu cao nhất quốc gia.

Cũng không thể hy vọng chỉ vài ba trận giao hữu thì sẽ bổ sung được kinh nghiệm thực chiến cho các cầu thủ trẻ, và càng không nên tập trung các cầu thủ dài hạn như thời bao cấp bởi nói cho cùng, cầu thủ ở tuổi U23 cần dành thời gian tranh đấu tìm chỗ ra sân tại CLB. Đó là chưa nói đến việc các CLB có quyền từ chối “nhả” cầu thủ nếu không phải FIFA Days. Đó là lý do mà HLV Troussier vừa phải triệu tập các cầu thủ đá giải hạng nhì lên đội U23, điều rất hiếm xảy ra trên thế giới.

Làm mới các đội tuyển bóng đá U chỉ là phần ngọn, điều cần thiết là làm mới cả “đầu vào”, tức là nguồn cung cấp cầu thủ trẻ. Các học viện đào tạo thường rất tốn kém, không dễ mở rộng, vì vậy nên tập trung vào hướng bắt buộc các CLB phải đầu tư tuyến U cơ hữu tại chỗ, chọn lọc thêm nguồn từ thể thao chuyên nghiệp học đường, một địa hạt mà cho đến nay gần như chưa được khai thác… Làm mới bóng đá trẻ, tạo nguồn cho đội tuyển trong tương lai luôn là yêu cầu tất yếu và cấp thiết!

Tin cùng chuyên mục