Tôi đã mang tâm thế của một người mê nhạc Trịnh kiểu truyền thông để nghe album này. Quả thật, lúc đầu tôi hoài nghi là “phá cách” hay “phá phách” khi một rapper, một dancer, một nghệ sĩ hip hop như Hà Lê làm mới nhạc Trịnh; làm mới táo bạo hoàn toàn kiểu thay đổi giai điệu, phối theo cách khác hoàn toàn chứ không phải chỉ cover.
Hà Lê cùng cộng sự đã thay đổi gần như toàn bộ giai điệu nhạc Trịnh bằng cách hòa âm, phối khí, chia câu, tạo nhịp... Nền giai điệu của 7 ca khúc đã được chuyển sang R&B và nhiều màu sắc âm nhạc khác trong sự xuyên suốt chủ đạo của nhạc điện tử. Đã có những đoạn rap bắt tai vang lên xen kẽ.
Nghe tới bài Biển nhớ có cài thêm một đoạn rap hơi lạc tông, không thực sự ăn nhập ca khúc, tôi có giật mình. Nghe qua Ở trọ, đoạn giữa và đoạn cuối cũng có rap. Phải nói rằng thật sự rất bắt tai, ấn tượng, tươi mới, năng động mà vẫn giữ lại chút hoài cổ, lắng đọng trong ca từ bài hát.
Đã từng có nhiều ca sĩ cũng thử mình làm mới nhưng mấy ai thành công. Người được khen thì ít, còn người bị phản ứng gay gắt, thậm chí bị cho rằng đang “phá” nhạc Trịnh lại nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao sự mạnh dạn, sức sáng tạo của nam rapper khi dám lao vào để có thể ghi dấu ấn riêng mình lên sản phẩm âm nhạc mới mẻ, hiện đại này.
Không chỉ có Hà Lê mà Hà Anh Tuấn, Đức Tuấn cũng là những nghệ sĩ tâm huyết làm mới nhạc cũ, mang đến thứ âm nhạc mà nghe rồi sẽ đọng lại rất sâu, rất lâu với một sức hấp dẫn kỳ lạ. Mới đây, ca sĩ Đức Tuấn đã giới thiệu đến người nghe nhạc album Trọn một kiếp yêu với những tình khúc Lam Phương được thể hiện mới mẻ, mang chất riêng của anh.
Trong dòng chảy âm nhạc đại chúng, nhạc sĩ Lam Phương có vị trí đặc biệt. Tiếp cận nhạc của ông vừa dễ, vừa khó đối với các ca sĩ ngày hôm nay. Dễ vì ai cũng có thể hát, và chỉ cần hát theo cách mà bao năm qua mọi người đã hát. Bởi dấu ấn của các danh ca trên mỗi bài hát Lam Phương là rất lớn, thậm chí việc hát giống hệt các phiên bản cũ còn có thể là niềm tự hào của nhiều ca sĩ trẻ. Nhưng cái khó nhất là từ những điều quen thuộc ấy, từ những bài hát dường như đã khai thác kiệt cùng với đủ loại mọi phong cách, trường phái, từ truyền thống đến phá cách nhất thì làm sao có thể tạo được dấu ấn cá nhân của mình lên đó, trong khi vẫn đảm bảo được điều quan trọng là được khán giả chấp nhận, và không phá vỡ tinh thần âm nhạc của ông.
Cái khó đó lại chính là điều Đức Tuấn đã lựa chọn. Giữa những gì tưởng như rất quen thuộc, chúng ta vẫn ngỡ ngàng phát hiện những điều mới lạ trong cách hát mới của Đức Tuấn. Đức Tuấn hát trung tính, nhẹ nhàng, không kịch tính như trước đây.
Khi người nghệ sĩ quyết định làm mới những tác phẩm âm nhạc đã đi cùng năm tháng, họ phải vượt qua nhiều áp lực. Làm mới âm nhạc chỉ có hiệu quả khi tạo ra được giá trị thật sự là mang đến những nét mới cho tác phẩm và tạo ra được một lớp công chúng mới cho tác phẩm.