Vài năm trở lại, xuất hiện xu hướng làm mới những bài hát của một thời ký ức, không ít những chương trình dành riêng sân chơi để remix các ca khúc cũ. Trong đêm thi của một chương trình, nữ ca sĩ T. vốn nổi tiếng với dòng nhạc pop, ballad, đã làm mới bản Dạ cổ hoài lang cùng phần hỗ trợ của DJ.
Tuy nhiên, ngoài hiệu ứng ánh sáng, hoạt cảnh sân khấu hiện đại thì giọng ca nội lực thành công với nhạc pop đã bộc lộ rõ những điểm yếu, hụt hơi khi thể hiện bài Dạ cổ hoài lang, sự nức nở quá mức trong giọng hát khiến người nghe cảm thấy não nề, bi ai hơn so với bản phối truyền thống.
Không ít những bài hát mang âm hưởng dân ca, ngọt ngào sâu lắng như: Chim trắng mồ côi, Anh Ba khía, Bèo dạt mây trôi, Lòng mẹ… cũng được remix thành nhạc xập xình, tiết tấu nhanh và sôi động. Chỉ việc nghe thôi cũng đủ khiến khán giả hụt hơi, chứ chưa nói đến chuyện ca sĩ hát thế nào.
Bên cạnh việc remix, mashup (kết hợp 2 hoặc nhiều bài hát cùng nhau) cũng khiến người nghe không khỏi hoang mang, khi không hiểu nổi 2 bài hát có liên quan gì đến nhau mà đem ra kết hợp. Một sân chơi dành cho nhạc bolero, 8 cặp thí sinh tham dự thì mỗi đêm thi có đến hơn một nửa phần trình bày là những bản mashup.
Duyên phận chưa được nửa bài thì nhạc đến đoạn cuối Vùng lá me bay. Thoạt nghe qua, giai điệu có vẻ rất hợp nhau vì cùng là bolero, nhưng nội dung một đằng là tâm sự của người con gái chưa một lần yêu, phải lấy chồng vì gia cảnh; một đằng là tâm sự câu chuyện tình đẹp nhưng dang dở.
Nhạc cách mạng, một dòng nhạc tưởng chừng như đã mặc định với giai điệu hào hùng, khí thế của một thời hoa lửa nhưng nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục làm mới vô tội vạ. Mới nhất, ca sĩ P.A.K. của dòng nhạc rock, đã rock hóa Tiếng chày trên sóc Bom Bo. Cả phần trình diễn, ngoài hiện ứng sân khấu, cùng dàn trống khá công phu thì hoàn toàn rời rạc trong những nốt cao độ gần như được đẩy lên thành tiếng hét. Với giọng hát khàn, gân guốc của nam ca sĩ, khí thế giã gạo vui tươi trong bài trở thành chênh, phô.
Việc làm mới hay phát triển các giá trị cũ, tinh hoa một thời để thế hệ sau được biết, dễ dàng tiếp cận và phát huy những giá trị âm nhạc tốt đẹp là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc làm mới đòi hỏi người nhạc sĩ, ca sĩ khi hòa âm phối khí lại cần phải hiểu bài hát, nắm rõ ca từ, giai điệu lẫn tâm tư của nhạc sĩ viết nên bài hát. Hiểu được như vậy thì việc làm mới những ca khúc cũ mới có thể phát huy được tác dụng theo hướng tích cực.
“Người mở đường” nào cũng sẽ chịu không ít áp lực từ những ý kiến ngược chiều, nhưng cần phải hiểu, có những giai điệu đã là giá trị bất tử với thời gian như Dạ cổ hoài lang thì những thứ tinh túy, sâu sắc đó cần được trân trọng hơn là cố làm mới một cách khiên cưỡng.