Làm mới bưởi da xanh


Bưởi da xanh là 1 trong 2 sản phẩm chủ lực của Bến Tre được dán nhãn chỉ dẫn địa lý. Do giá luôn ở mức cao, bình quân từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, cùng với thị trường đầu ra ổn định, nên diện tích bưởi da xanh tăng lên từng năm. 
Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre được dán nhãn chỉ dẫn địa lý
Bưởi da xanh tỉnh Bến Tre được dán nhãn chỉ dẫn địa lý

Hiện toàn tỉnh có trên 7.212ha, chiếm gần 25% tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Trong đó, có 4.836ha đang cho trái với sản lượng đạt gần 57.000 tấn/năm. Tuy khá nổi tiếng và hàng năm cung ứng ra thị trường hàng chục ngàn tấn, nhưng bưởi da xanh Bến Tre đa phần tiêu thụ ở thị trường nội địa. Mặc dù có tiềm năng phát triển và được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư trên rất nhiều lĩnh vực nhằm xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nhưng đến nay, hành trình phát triển sản phẩm bưởi da xanh ra thị trường thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Từ dự án “Tăng cường hệ thống khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây có múi cho nông dân nghèo ở 5 tỉnh ĐBSCL” (gọi tắt là dự án JICA) đã áp dụng tại tỉnh từ năm 2010 - 2014 trên cây cam sành, đạt kết quả rất cao về kỹ thuật canh tác, năng suất, sản lượng và chất lượng, được chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản đánh giá cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN-PTNT Bến Tre) đã xây dựng dự án “Đào tạo, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ dự án cây có múi JICA nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh Bến Tre”. Dự án được triển khai tại 5 huyện có vùng trồng bưởi nhiều và tập trung.

Sau gần 3 năm triển khai, nhiều vườn bưởi da xanh áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác theo dự án JICA đã mang lại kết quả khả quan. Điển hình là vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Tân, ở ấp Xẻo sâu, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Hiện nay, vườn bưởi đang phát triển xanh tốt, cây có tán đều và đã cho lứa trái đầu tiên. Ông Tân cho biết, nếu so với cách trồng truyền thống thì trồng bưởi da xanh theo kỹ thuật JICA hiệu quả hơn, cây cho trái nhiều hơn, lượng phân bón sử dụng ít hơn. Do các vườn bưởi khoảng 3 năm tuổi, cây mới bắt đầu cho trái, nên chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án, nhưng theo tính toán, sau 5 năm, cây đã cho trái ổn định thì hiệu quả của dự án đạt rất cao (năng suất cao hơn khoảng 20%) so với biện pháp canh tác truyền thống. Trong khi đó, do trồng thưa nên chi phí đầu tư thấp hơn. Ngoài hiệu quả kinh tế, dự án còn đạt hiệu quả xã hội và môi trường.

Với bước đầu khả quan, nông dân vùng dự án đang dần thay đổi tập quán, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất, năng suất và chất lượng bưởi da xanh được nâng lên, góp phần thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có bưởi da xanh.

Tin cùng chuyên mục