Thật hiếm có di tích nào được như Lam Kinh khi còn giữ được rừng nguyên sinh. Rừng bao bọc, che phủ di tích, hòa quyện cùng di tích và cùng với di tích tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh hiếm thấy.
Những người am hiểu đều thấy rằng đất Lam Kinh là đất có long mạch, nơi tụ khí thiêng sông núi. Nơi đây có núi Lam Sơn, núi Chúa, núi Hương, hồ Tây, hồ Như Áng, sông Ngọc, sông Chu,... Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biếc, rừng rậm um tùm”. Đến nay, di tích Lam Kinh có diện tích hơn 200ha thì trong số này có tới gần 100ha rừng cổ.
Ông Vũ Đình Sỹ tự hào: “Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định rừng Lam Kinh đủ điều kiện là rừng di sản chứ không phải là công nhận chỉ mình cây. Hội công nhận cây là chỉ mang tính chất đại diện loài thôi”. Ngoài thực vật, rừng có hệ thống động vật phong phú với các loài như: chồn, cáo, sóc, rùa, trăn, rắn,… Riêng chim có rất nhiều, ngoài chim thường xuyên khu trú tại rừng Lam Kinh còn các loài chim dưới biển tìm về, “mùa nào chim nấy”.
Di tích quốc gia đặc biệt
Vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2022 và kỷ niệm 10 năm di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trong giai đoạn này, một số hạng mục quan trọng của 6 khu lăng mộ của các vua và hoàng thái hậu (lăng mộ vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao); 5 nhà che bia, đền thờ Lê Lợi, đền thờ Lê Lai; 5 toà miếu, Sân Rồng, Ngọ Môn, hồ Tây, đập nhà Lê đã được tu bổ hoàn chỉnh. Đặc biệt, khu chính điện Lam Kinh đã được phỏng dựng thành công và được phép mở cửa đưa vào sử dụng từ tháng 4-2022.
Trong 10 năm qua, Ban Quản lý Di tích Lam Kinh đã triển khai thực hiện thành công nhiều công việc thiết thực, có hiệu quả, nhất là trong công tác trùng tu, bảo tồn di tích. Các hạng mục di tích đã được trùng tu, tôn tạo đều đảm bảo dựa trên các yếu tố gốc, được đánh giá cao về chất lượng, thẩm mỹ, tạo được hiệu ứng tốt, góp phần quan trọng trong việc phục hồi, nâng tầm giá trị của khu di tích. Giá trị các hạng mục được đầu tư trong 10 năm qua khoảng hơn 400 tỷ đồng.
“Hướng của Ban Quản lý di tích Lam Kinh lâu nay đã và đang triển khai là du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Để thực hiện được điều này, ngoài việc luôn coi trọng công tác “trồng cây gây rừng”, phục hồi tôn tạo di tích theo nguyên bản, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, chúng tôi luôn xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hướng tới phục vụ du khách được hài lòng trong không gian hài hòa với rừng di sản, di tích xanh”, ông Sỹ cho biết thêm.