Nếu người nhận chuyển nhượng là người cùng địa phương, việc xác nhận là điều dễ dàng. Trong các trường hợp khác, việc xác nhận có thể chỉ là hình thức, hoặc không thể thực hiện được. Ngoài ra, có một số giao dịch trên thực tế không phải là đất lúa, không còn là đất rừng, nhưng phải làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định như đối với đất trồng lúa hay đất rừng.
Ví dụ, ở vùng miền núi, đất được ghi nhận làm lúa nương không được chuyển mục đích sử dụng sang các loại đất khác. Nhưng trên thực tế, người dân đã chuyển đổi sang mục đích khác (trồng cà phê, cây ăn quả, thậm chí làm đất ở) thì khi thực hiện giao dịch quyền sử dụng đất loại này, họ vẫn thực hiện thủ tục hành chính như đối với đất lúa, và không thay đổi mục đích sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giao dịch quyền sử dụng đất nói trên, vì vậy, chỉ hợp pháp về hình thức, khác hoàn toàn so với hiện trạng sử dụng đất, chứa đựng rủi ro, thua thiệt đối với cả người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng.
Tôi cho rằng, có thể tạo thuận lợi cho người dân bằng một số giải pháp. Thứ nhất là xem xét lại hồ sơ, bớt những thứ không cần thiết, đơn giản hóa tối đa có thể để người dân dễ khai báo; đồng thời, phát triển dịch vụ hướng dẫn kê khai hoặc kê khai hộ người dân.
Thứ hai, áp dụng quy hoạch sử dụng đất và chuyển đổi mục đích đối với đất lúa trong vùng phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo tinh thần và nội dung quy hoạch. Nói cách khác, đất lúa trong vùng phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được xác định không còn là đất lúa, mà là đất đã được chuyển đổi sang mục đích khác.
Thứ ba, đối với đất trồng lúa, nhưng nguồn gốc không phải là đất lúa, thì không được coi là đất lúa theo quy định của pháp luật. Tương tự, đất rừng nhưng trên thực tế từ lâu (ví dụ trước năm 2010) đã được sử dụng vì mục đích khác, thì không coi là đất rừng và đối xử với nó như các loại đất có mục đích sử dụng khác.