Tranh thủ làm thêm giờ
Thực tế do áp lực công việc, không để tồn đọng hồ sơ, không thất hẹn với dân, nên nhiều cơ quan hành chính và cơ quan nghiệp vụ tại TPHCM đã tranh thủ làm thêm giờ, thực hiện phương châm làm hết việc, chứ không chỉ làm hết giờ. Để đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhiều UBND phường còn tổ chức tiếp dân chứng thực giấy tờ ngoài giờ hành chính.
Việc chứng thực giấy tờ ngoài giờ hành chính đã được UBND phường 4 (quận Tân Bình) thực hiện từ tháng 9-2018. Không chỉ tiếp dân ngoài giờ hành chính trong ngày làm việc, mà khi cần chứng thực giấy tờ gấp hoặc do bận đi làm, người dân có thể gọi điện đặt lịch làm việc ngoài giờ hành chính với UBND phường, đơn vị sẽ sắp xếp người trực, giải quyết.
Các trường hợp cần gấp sao y, chứng thực, làm giấy báo tử… đều được UBND phường cử người giải quyết nhanh chóng cho người dân. Các cán bộ làm ngoài giờ ở đây đều trên tinh thần tự nguyện, thậm chí có những khi làm việc đến tận 20 giờ. Lệ phí chứng thực không thay đổi so với mức lệ phí thực hiện trong giờ hành chính.
Kể từ khi việc giải quyết hộ khẩu, căn cước công dân, đăng ký xe máy được chuyển về địa bàn, số lượng người dân đến làm thủ tục tại cơ quan nghiệp vụ của công an các quận, huyện tăng cao.
Gặp phóng viên tại bộ phận cấp căn cước công dân của Công an quận 10, bà Nguyễn Thị Thu Thảo (59 tuổi, cư ngụ ở đường Thành Thái, phường 12, quận 10), nhận xét: “Các cán bộ làm việc ở đây rất nhiệt tình. Tôi bận việc nhà, chỉ rảnh sáng thứ bảy, nhưng các cô chú vẫn làm việc và tiếp nhận hồ sơ. Nhiều khi buổi tối có việc đi ngang qua, tôi thấy các cán bộ vẫn còn làm việc”.
Phấn đấu hoàn thành tốt công việc
Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an quận Bình Thạnh, cho biết: “Anh em trong ban chỉ huy đã phân công rất cụ thể việc ký nhận hồ sơ, giấy tờ về hộ khẩu, căn cước và đăng ký xe. Hồ sơ đến khâu nào, đến chỉ huy nào lúc mấy giờ đều ghi rõ trong văn bản tiếp nhận, trình ký. Đây là quy trình, quy chế cụ thể. Do vậy, dù trong giờ làm việc hành chính có bận rộn với việc học tập, họp hành, công tác, các cán bộ trong ban chỉ huy vẫn phải tranh thủ thực hiện phần việc của mình. Các cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận hồ sơ cũng tranh thủ tiếp nhận, xác minh, giải quyết thật rốt ráo để trình chỉ huy ký xác nhận. Dứt khoát không chậm trễ và lỡ hẹn với người dân. Việc làm thêm đến 19 hay 20 giờ tối đối với đơn vị nghiệp vụ này đã diễn ra bình thường lâu nay”.
Khi đến kỳ nghỉ hè lại là cao điểm làm hộ chiếu xuất nhập cảnh. Tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TPHCM) không có khái niệm thời gian bắt đầu làm việc. Bởi lẽ, hơn 6 giờ sáng, đơn vị này đã mở cổng tiếp nhận hồ sơ.
Thường đến 17 giờ là thời điểm hộ chiếu được chuyển từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh về, nên anh em cán bộ tiếp tục công việc trả hộ chiếu cho người dân. Thời gian qua, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động nắm bắt tình hình và tăng cường phương tiện, thiết bị, bổ sung cán bộ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, cho biết: “Bình quân mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 1.200 - 1.800 hồ sơ. Ngày cao điểm tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ. Có thời điểm cùng lúc có khoảng 1.500 người tập trung đến làm thủ tục. Chúng tôi phải tăng cường thêm bàn và cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Do áp lực công việc cao như vậy, nên cán bộ đã tự nguyện làm thêm giờ để giải quyết dứt điểm hồ sơ đã tiếp nhận trong ngày”.
Từ thực tế đó, các cơ quan, đơn vị này không thấy cần thay đổi giờ giấc làm việc. Vấn đề được quan tâm hơn là làm sao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thực hiện các biện pháp hiệu quả để đảm bảo hoàn thành công việc ở mức cao nhất.