Làm hết mình thì ở đâu cũng là cống hiến

Trong bảng thành tích của các nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2024, thành tựu nghiên cứu của Ngô Khắc Hoàng là một chuỗi những thuật ngữ về công nghệ thông tin và truyền thông, rất khó hiểu với những kẻ “ngoại đạo” như tôi. Nhưng rồi cái chức danh Giáo sư Trợ lý tại Đại học Linköping (Thụy Điển) lại khiến tôi tò mò về nhà khoa học vừa qua tuổi 32 này.

Hướng đến kết quả khoa học nền tảng

Ngô Khắc Hoàng khá chật vật khi giải thích về nghiên cứu mới nhất của anh cho tôi. Công trình mang tên “Unsourced Multiple Access With Random User Activity” (Đa truy cập không phân biệt nguồn với người dùng hoạt động ngẫu nhiên), được đăng trên tạp chí IEEE Transactions on Information Theory - một tạp chí khoa học uy tín trên thế giới.

Nói một cách ngắn gọn nhất về ý nghĩa thực tiễn của công trình là: “Sử dụng lý thuyết thông tin để phân tích giới hạn phẩm chất cho hệ thống truyền thông thế hệ mới, hỗ trợ các thiết bị với số lượng cực lớn và truy cập một cách ngẫu nhiên”. Với nghiên cứu này, Hoàng đã đi vào những khía cạnh chưa được khai thác của đề tài, như sự đánh đổi giữa phát hiện sai (điểm truy cập bỏ lỡ thông tin được gửi đến bởi các thiết bị) và báo động giả (điểm truy cập đưa ra thông tin không được gửi đi bởi thiết bị nào).

R5b.jpg
Ngô Khắc Hoàng thuyết trình tại Hội thảo quốc tế về lý thuyết thông tin IEEE ITW, Đài Loan (Trung Quốc)

Nghe “rắc rối” vậy nhưng có một điều mà tôi hiểu ngay, đó là nghiên cứu của Hoàng đưa ra chỉ dẫn cho các nghiên cứu về sau trong việc thiết kế hệ thống. Để hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu, Hoàng cùng cộng sự cũng đã công bố mã mô phỏng, giúp các nhà thiết kế và nghiên cứu khác dễ dàng tái hiện kết quả. Hoàng chia sẻ, các nghiên cứu của anh luôn hướng đến những kết quả khoa học mang tính nền tảng, trong đó, nhiều công trình đã được công bố, được cộng đồng quốc tế kiểm chứng và tiếp cận.

Chia sẻ niềm đam mê của mình, câu chuyện của Ngô Khắc Hoàng bỗng trở nên cuốn hút khi mở ra một tương lai có thể nói là kỳ diệu của công nghệ. Hoàng cho biết, các nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thông đang phải đối mặt với sự thay đổi lớn. Nếu như trước đây, viễn thông tập trung vào cung cấp công cụ hỗ trợ giao tiếp giữa con người thông qua mạng di động, thì ngày nay, viễn thông còn hỗ trợ giao tiếp giữa các máy móc, làm nền tảng cho các dịch vụ và công nghệ mới, chẳng hạn như IoT (internet vạn vật, kết nối đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến), xe tự hành, thực tế ảo, công nghiệp 4.0…

Đặc biệt, trong thế hệ 6G sắp tới, các khía cạnh mới đã được suy đoán, như ứng dụng rộng rãi của trí tuệ nhân tạo hướng tới kết nối các thực thể thông minh, hay sự kết hợp khả năng cảm nhận và định vị vào mạng viễn thông. Theo Hoàng, những thách thức này không thể được giải quyết bằng cách đơn giản là chỉnh sửa các hệ thống hiện tại, mà đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong các khái niệm và thực hành. Vì vậy, Hoàng cũng phải điều chỉnh hướng nghiên cứu, xem xét cả quá trình các thiết bị thu thập và xử lý dữ liệu trước khi truyền đi, việc sử dụng dữ liệu cho các mô hình học máy, hay vấn đề bảo mật thông tin…

Bước ra thế giới

Nơi Ngô Khắc Hoàng đang sống bây giờ là Thụy Điển - một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Đại học Linköping nơi anh đang làm việc là một trường đại học lớn với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cộng sự giỏi. Thế nhưng, không lúc nào Hoàng nguôi nhớ về làng quê Xuân Bái nơi anh sinh ra ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Nhiều lúc nhớ quá, anh lên mạng để xem quê mình thay đổi như thế nào qua những hình ảnh lưu lại trên Google Earth.

Trên trang cá nhân, Hoàng đã chia sẻ bức ảnh cũ và nỗi nhớ nhung như thế này: “Mình lớn lên ở con dốc này. Hồi bé, con đường đất đầy sỏi và những rãnh do nước mưa xối chảy. Lũ trẻ con muốn vui thì cứ chạy ra ngoài đường mà chơi, bắt chuồn chuồn hay kiếm chỗ đất bằng mà đào lỗ bắn bi, cho đến khi bị người lớn gọi về ngủ trưa. Mùa gặt, người ta đẩy những xe cải tiến chất đầy lúa lên dốc, có khi í ới gọi nhau đẩy giúp. Hai bên chân dốc là hai bụi tre chụm vào nhau như cái cổng, nơi mình hay chạy ra đón bà lên chơi và lúc nào cũng được một cái bánh dẻo. Ngày ấy, chạy từ chân lên đỉnh dốc thôi mà sao xa thế, đến nơi chỉ thấy mệt. Bây giờ đi bộ một chút đã đến đỉnh dốc, ngoảnh lại, thấy biết bao là ký ức…”.

Có vẻ Hoàng giống như một cánh diều cứ bay cao bay xa thêm mãi nhưng ký ức chính là sợi dây bền chặt neo giữ anh với quê hương đất nước. Anh bảo, mỗi người sinh ra với một biên giới về địa lý và tư duy, nhưng nếu muốn, ta có thể vượt qua những rào cản đó để bước ra thế giới rộng lớn hơn và xây dựng giá trị của mình.

Trong trí nhớ của người dân làng Xuân Bái, Hoàng là cậu bé thông minh, hiếu học. Khi chiếc điện thoại di động còn là thứ đồ công nghệ mới mẻ và hấp dẫn, Hoàng đã quyết tâm đặt những bước chân đầu tiên trên con đường nghiên cứu. Niềm đam mê lớn dần theo năm tháng. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp thủ khoa đại học ngành điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hoàng bắt đầu bước ra ngoài thế giới.

Sau hơn 3 năm theo đuổi lĩnh vực truyền thông vô tuyến và lý thuyết thông tin, năm 2019, Hoàng trở thành người Việt đầu tiên có mặt trong danh sách 10 trên 200 đại biểu dự diễn đàn khoa học Heidelberg Laureate tại Đức, nơi quy tụ các nhà khoa học hàng đầu. Được giao lưu và truyền cảm hứng từ những ngôi sao trong toán học và khoa học máy tính trên thế giới, Hoàng ấp ủ giấc mơ cũng có một ngày tạo ra những kết quả có ý nghĩa lớn đến cộng đồng.

Làm nghiên cứu khoa học, Hoàng luôn đề cao tinh thần cống hiến. Nhưng thế nào là cống hiến cũng là điều trăn trở trong anh. Ngô Khắc Hoàng chia sẻ: “Tôi chọn làm việc ở nước ngoài để học hỏi nhiều hơn từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực. Vị trí hiện tại cho phép tôi tập trung vào chuyên môn, đào sâu những chủ đề mà mình đam mê, giúp tôi thực hiện mong muốn đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực, góp phần phát triển ngành công nghệ viễn thông. Theo tôi, cống hiến là kết hợp động lực cá nhân với sự phát triển chung của xã hội. Khi làm việc hết mình thì ở đâu cũng là cống hiến”.

Suy nghĩ về sự cống hiến của Hoàng càng được củng cố hơn sau khi nghe Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ trong cuộc gặp mặt sinh viên Việt Nam tại Đại học Columbia (Mỹ), nhân chuyến tham gia Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9-2024. Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, không nhất thiết phải về nước mới có thể đóng góp cho quê hương. Nếu du học sinh có cơ hội học tập tại nước ngoài, tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực quan trọng với phát triển của đất nước thì có thể tiếp tục nắm bắt cơ hội. Việc đóng góp cho nước sở tại cũng là cần thiết, để đạt được những thành tựu tầm quốc tế, đóng góp cho văn minh chung của nhân loại.

- Ngô Khắc Hoàng sinh năm 1992.

- Năm 2016: thủ khoa tốt nghiệp thạc sĩ về hệ thống truyền thông của Trường CentraleSupélec, Đại học Paris-Saclay.

- Năm 2019: Nghiên cứu sinh xuất sắc của Trường CentraleSupélec, Đại học Paris-Saclay và Trung tâm nghiên cứu của Huawei tại Paris, Pháp.

- Năm 2020: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về vấn đề truyền thông vô tuyến không biết trước thông tin kênh truyền.

- Ngày 8-11-2024: Nhận giải thưởng KH-CN Quả cầu vàng năm 2024 do Trung ương Đoàn và Bộ KH-CN đồng tổ chức.

- Hiện Hoàng là quản trị viên nhóm telecom-vn, một cộng đồng nghiên cứu người Việt trong ngành viễn thông; thành viên kiêm nhiệm của Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ thuộc Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tin cùng chuyên mục