Không thể biết những bậc cha mẹ đó nghĩ gì khi hành động như vậy nhưng có lẽ họ không thể ngờ rằng hành động coi thường Luật Giao thông đường bộ như vậy, trước hết có thể gây nguy hiểm cho chính mình và con của mình.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, vượt đèn đỏ là hành vi gây nguy hiểm cao… vì chỉ cần có người nào đó ở chiều giao thông cắt ngang vội vã phóng xe qua đường là có thể va chạm với người cố tình vượt đèn đỏ.
Tại TPHCM đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với nguyên nhân như vậy. Hơn nữa, trẻ con thường có xu hướng “bắt chước” khi tự mình tham gia giao thông, rất có thể chúng sẽ lặp lại hành vi này của phụ huynh là… vượt đèn đỏ. Rồi việc cha mẹ chở con bằng xe gắn máy nhưng không đội nón bảo hiểm cho chính mình và cho cả con, đây cũng là gương xấu.
Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới và cả ở Việt Nam, đội nón bảo hiểm có tác dụng rất lớn trong việc giảm chấn thương sọ não một khi tai nạn giao thông không may xảy ra. Giá thành chiếc nón bảo hiểm không bao nhiêu so với khả năng tài chính của nhiều bậc phụ huynh và việc đội nón bảo hiểm cũng không mất quá nhiều thời gian và công sức… Vậy tại sao nhiều bậc cha mẹ lại không đội nón bảo hiểm cho con khi chở con bằng xe máy? Đội nón bảo hiểm cho con khi chở con đi không chỉ bảo vệ con mà còn nêu gương tốt cho trẻ; đó là tôn trọng, giữ gìn sinh mạng của chính mình và vì gia đình của mình.
Đi đúng làn đường quy định cũng là việc mà các bậc cha mẹ nên lưu ý. Đi đúng làn đường vừa đảm bảo an toàn vừa góp phần giữ gìn trật tự an toàn giao thông nói chung.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TPHCM, việc đi sai làn đường, đặc biệt ở các tuyến đường 2 chiều với 2 làn xe xuôi - ngược, có nguy cơ gây tai nạn giao thông khá cao. Không phải ngẫu nhiên ngành giao thông TPHCM lắp đặt dải phân cách cứng, tách biệt 2 dòng xe xuôi - ngược ở nhiều tuyến đường để ngăn ngừa tai nạn giao thông do đi sai làn đường. Thế nhưng, ở các tuyến đường nhỏ, do diện tích không đảm bảo để lắp đặt dải phân cách cứng, ngành chức năng chỉ kẻ vạch sơn để xác định làn xe được lưu thông trên đường.
Về nguyên tắc, dải phân cách cứng hay mềm (vẽ bằng sơn) đều có giá trị pháp lý như nhau, nhưng thực tế nhiều người tham gia giao thông đã không ý thức được điều đó… Đi sai làn đường, cản trở lối đi của dòng xe khác còn tạo nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao, nhất là ở những điểm giao cắt với đường sắt… Giao thông sẽ thông suốt nếu mọi người dừng chờ xe lửa ở đúng làn đường quy định loại phương tiện của mình để khi xe lửa đi qua, không “bít” làn đường của dòng xe đối diện…
Hãy trở thành tấm gương tốt cho con trẻ khi tham gia giao thông vì sự an toàn của chính mình, của con mình và mọi người cùng tham gia giao thông.