Trong lúc nhiều nơi ùn ùn đào ao nuôi tôm sú, cá tra hoặc lên vườn trồng cây ăn trái, chuyên canh rau màu… với hy vọng có thu nhập cao; thì ở vùng nông thôn xã Đức Mỹ, huyện Càng Long (Trà Vinh) có hàng trăm hộ nông dân trung thành với cây lác - một loại cây được xem là hoang dại, canh tác rất vất vả, cực nhọc. Bù lại, cây lác giúp người dân có cuộc sống ổn định…
Hiệu quả từ chuyển đổi sản xuất
Chúng tôi tìm đến vùng chuyên canh cây lác ở xã Đức Mỹ vào giữa mùa khô hạn. Trong cái nắng cháy da giữa trưa, thế nhưng cánh đồng lác vẫn có những nông dân che lều thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Phúc, người có nhiều năm trồng lác ở xã Đức Mỹ, cho biết: “Vụ này cây lác cho năng suất tương đối khá, bình quân đạt gần 1 tấn/công, được thương lái thu mua liên tục, giá khá cao…”.
Ông Mai Thanh Tú, cán bộ nông nghiệp xã Đức Mỹ, khoe, hiện cánh đồng lác của xã phát triển gần 626ha, thuộc dạng lớn nhất tỉnh Trà Vinh và khu vực ĐBSCL. Dân xứ này canh tác bình quân 2,5 vụ lác/năm; với giá lác hiện tại, nông dân thu lãi 150 - 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, để cây lác trụ vững và phát triển như hôm nay là cả một quá trình gian khó.
Theo ông Tú, ngày trước, nông dân sản xuất lúa nhưng năng suất thấp do ảnh hưởng đất đai nhiễm phèn và thường xuyên bị nước mặn xâm nhập vào mùa khô. Giai đoạn 2000-2009, nghề dệt chiếu và dệt thảm lác xuất khẩu ở ĐBSCL, cùng một số nơi khác phát triển rầm rộ và cây lác là nguyên liệu chính nên luôn hút hàng, giá bán cao. Vùng quê Đức Mỹ có đặc điểm là nước lợ và đất bị phèn, tuy trồng lúa, trồng hoa màu cho hiệu quả kém, nhưng lại là nơi thích nghi tốt cho cây lác phát triển. Thấy được lợi thế và tiềm năng của cây lác, lãnh đạo huyện Càng Long và chính quyền xã Đức Mỹ chủ trương chuyển đổi đất lúa sang trồng lác phục vụ nhu cầu dệt chiếu tiêu thụ nội địa, dệt thảm xuất khẩu…
Xây dựng thương hiệu cho cây lác
Theo Phòng NN-PTNT huyện Càng Long, cây lác Đức Mỹ không chỉ phục vụ nghề dệt chiếu ở địa phương mà còn cung cấp nguyên liệu cho khắp các tỉnh ĐBSCL, thậm chí đưa ra tận miền Trung, miền Bắc phục vụ cho các cơ sở dệt chiếu và dệt thảm xuất khẩu.
Song hành việc trồng lác, người dân xã Đức Mỹ còn mở cơ sở dệt chiếu, dệt thảm nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông nhàn và phát triển làng nghề.
Anh Trần Văn Gạo, chủ cơ sở sản xuất chiếu ở ấp Đức Mỹ (xã Đức Mỹ), bộc bạch: “Lâu nay người dân trong vùng cũng làm nghề dệt chiếu nhưng chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Thấy nguồn lác dồi dào, chất lượng tốt nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng mua về 17 máy dệt chiếu, thuê nhiều người đến dệt. Trung bình 1 cái máy dệt được tới 50 chiếc chiếu/ngày (gấp nhiều lần so dệt bằng tay)”.
Anh Gạo còn đi nghiên cứu thị trường và là người đầu tiên ở địa phương tiên phong cung cấp chiếu cho các bệnh viện, với giá dao động 16.000 - 17.000 đồng/chiếc (loại 0,9x1,8m).
“Tôi đi nhiều nơi thấy các bệnh viện, bệnh nhân đều có người nhà đi theo và ban đêm họ phải ở lại nuôi bệnh, ai cũng có nhu cầu mua 1 chiếc chiếu nhỏ, gọn, giá rẻ để sử dụng ngắn hạn. Thế là cơ sở của tôi tận dụng các loại lác ngắn để dệt chiếu dạng này, bán rất chạy”, anh Gạo nói.
Cùng với sự năng động của người dân, mới đây các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã đứng ra vận động, thành lập HTX chiếu Đức Phát với hơn 60 hộ tham gia. Giám đốc HTX Trần Hậu Giang cho biết: “Trong thời buổi kinh tế thị trường, việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sẽ kém hiệu quả bởi chi phí giá thành cao, dễ bị ép giá… Vì vậy, HTX chiếu ra đời cũng nhằm quy tụ người dân vào làm ăn lớn. HTX sẽ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con, sau đó tổ chức bao tiêu, thu mua lác để người dân không phải mất chi phí vì phải bán qua trung gian như những năm trước”.
Theo thống kê, hiện toàn xã Đức Mỹ có hơn 960 hộ dân trồng lác, với hàng ngàn nhân khẩu tham gia làm ăn tập thể… Chỉ tính riêng việc làm thuê, người dân cũng có thu nhập hàng trăm ngàn đồng/ngày, góp phần giảm nghèo ở nông thôn. Năm 2007, UBND tỉnh Trà Vinh đã công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đức Mỹ là làng nghề truyền thống. Mặt được là vậy, song cái khó của người dân nơi đây là toàn bộ các khâu từ trồng đến chăm sóc, thu hoạch… đều làm thủ công nên tốn nhiều thời gian. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động ngày càng nhiều, nhất là thời điểm thu hoạch rộ.
Theo UBND xã Đức Mỹ, tới đây sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng, nhà khoa học… nghiên cứu nhằm cơ giới hóa từng bước một số công đoạn trong sản xuất nghề lác. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cho cây lác Đức Mỹ. Đây cũng là cách nhằm đưa cây lác Đức Mỹ vươn xa hơn, khẳng định thế mạnh và hiệu quả kinh tế ở vùng đất phèn mặn nằm bên dòng Cổ Chiên này.