Ngoài việc làm 3 vụ lúa trong năm, người dân còn trồng được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.
Thoát nghèo bằng trái khóm, củ khoai
Về huyện Tân Phước (Tiền Giang), hỏi “vua khóm” Sáu Siêng (ông Võ Văn Hùng, ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước) thì ở đây ai cũng biết. Người cùng huyện ca ngợi vì ông trồng nhiều khóm lại thường xuyên trúng mùa, trúng giá. Riêng ông thì khiêm tốn: “Thấy mình siêng năng, chăm chỉ làm nên trời thương!”.
Sau gần 6 năm “lặn ngụp” cùng cây khóm, ông Sáu Siêng đã tậu được 25ha đất để chuyên canh. Cũng nhờ cây khóm, ông mới cất được căn nhà khang trang trị giá hơn tỷ đồng. Chưa hài lòng, ông mạnh tay thuê thêm 15ha đất để mở rộng vùng trồng khóm của mình. Bằng kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm, ông đủ sức tự xử lý kỹ thuật để cho khóm cho trái quanh năm, chủ động được cây giống.
Tết này, người dân Tân Phước cũng vui không kém khi có gần 14.000ha khóm cho thu hoạch dịp tết. Nhờ cây khóm mà dân ở đây có nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, như hộ ông Sáu Siêng là một minh chứng. Cần mẫn, siêng năng, chăm chỉ lao động nên đất ở đây không phụ lòng người.
Ở Tân Phước, cùng với cây khóm, cây khoai mỡ cũng góp sức “xóa đói giảm nghèo”. Toàn huyện có hơn 520ha khoai mỡ, trồng nhiều tại các xã Thạnh Mỹ, Thạnh Hòa,Tân Hòa Đông… Những năm gần đây, giá khoai mỡ luôn ở mức cao nên người trồng có lời nhiều, có cơ hội để tích lũy vốn. Như hiện nay, giá khoai mỡ 10.000đ/kg, sau khi trừ các chi phí, người trồng thu lời hơn 100 triệu đồng/ha. Người dân vùng Đồng Tháp Mười của Tiền Giang cũng đang cố gắng đưa cây thanh long về vùng này. Thanh long đã chịu vùng đất phèn chua, trong khi giá trị kinh tế đem lại rất cao.
Cây “giải sầu” cho người dân vùng đất mặn
Vùng đất nhiễm mặn huyện cù lao Tân Phú Đông hiện là nơi bám trụ mới của cây sả, mãng cầu xiêm… Các loại cây này góp phần phá thế độc canh cây lúa lâu nay để giúp người dân vùng này thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Trên địa bàn huyện cù lao Tân Phú Đông có nhiều gương điển hình nông dân sản xuất giỏi nhờ trồng sả. Như ông Trương Văn Hùng ở ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh. Ông quyết tâm cho chuyển đổi 2,5ha đất lúa sang trồng sả trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Sau 4 tháng, ông thu về 60 tấn củ sả. Với giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lời hơn 150 triệu đồng.
Người dân địa phương cho biết, nơi đây mỗi năm có 6 tháng nước bị nhiễm mặn nên chỉ làm lúa được 1 vụ, hiệu quả kinh tế cũng thấp. Dần dà, bà con quyết chuyển sang trồng sả, vì nó hợp. Sả thuộc loại cây ngắn ngày, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, năng suất cao… trong khi đầu ra thuận lợi (vì vừa là cây màu thực phẩm, vừa là cây dược liệu). Có lẽ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, từ một vài hécta ban đầu, nay toàn huyện tăng lên hơn 1.200 ha (năng suất 20 tấn/ha/năm).
Cùng với cây sả, cây mãng cầu xiêm cũng được người dân ở huyện cù lao Tân Phú Đông quan tâm đặc biệt. Toàn huyện hiện có gần 1.000ha, trồng tập trung nhiều nhất ở các xã Phú Thạnh, Tân Phú, Tân Thới… Theo người dân ở đây, mãng cầu cũng dễ trồng, nhất là xử lý cho ra trái đúng vào dịp tết. Anh Thành, một người trồng mãng cầu chuyên bán tết, cho biết: “Tết đến, dù nghèo hay giàu, trên mâm ngũ quả cúng ông bà thì không thể thiếu trái mãng cầu. Dịp tết vì thế cũng là mùa bán được mãng cầu nhiều nhất”.
Có lẽ nhờ thích nghi trên vùng đất phèn mặn này, cây sả, cây mãng cầu xiêm được xác định là cây trồng chủ lực của huyện cù lao Tân Phú Đông. Thực tế nó cũng đã chứng minh là cây mang lại no ấm cho người dân ở đây trong mấy năm qua.