Dược liệu Kon Tum được nhiều người ưa chuộng
Tỉnh Kon Tum có tiềm năng to lớn để phát triển dược liệu. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Phấn đấu đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh trung bình khá; là vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.
Thực tế, tại địa phương, tỉnh đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến đầu tư, phát triển chế biến dược liệu; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển dược liệu.
Trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã hình thành các vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ việc trồng, kinh doanh dược liệu Kon Tum. Thương hiệu dược liệu Kon Tum được nhiều người biết đến, ưa chuộng.
Đến huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, chúng tôi bắt gặp các vườn sâm dây, đương quy phát triển tốt tươi. Tại các khách sạn, quán ăn trưng bày bán sản phẩm sâm dây khô. Du khách đến đây du lịch liền chọn mua sâm dây về làm quà cho người thân vì theo họ, sâm dây có giá trị, quý, tốt cho sức khỏe.
Tiếp tục xuôi về xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, chúng tôi gặp ông Trần Quốc Huy, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Hà đang lặn lội lên đồi kiểm tra mô hình trồng sâm dây của người dân. Tại đây, vườn sâm phát triển tốt tươi, người dân tập trung làm cỏ. Ông Trần Quốc Huy cùng cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn bà con cách chăm sóc để đảm bảo sâm phát triển tốt, cho năng suất cao.
Theo ông Trần Quốc Huy, trên địa bàn xã, người dân đã trồng nhiều loại cây dược liệu quý như sơn tra, sâm dây, sâm Ngọc Linh. Cây dược liệu là cây trồng chính, được kỳ vọng sẽ giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thực tế, đồng bào Xơ Đăng đã hưởng lợi lớn từ việc trồng dược liệu. Đặc biệt, có khoảng 9 hộ làm giàu nhờ liên kết trồng, thu mua, chế biến dược liệu. Sắp tới, Đảng ủy xã sẽ tiếp tục có chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số chuyển từ vườn tạp sang trồng dược liệu trên những diện tích phù hợp với thổ nhưỡng, có nước tưới; cử cán bộ phụ trách nông nghiệp hướng dẫn bà con cách chăm sóc các loại cây dược liệu để tăng năng suất; xây dựng các mô hình liên kết để người dân bắt tay với hợp tác xã, doanh nghiệp cùng trồng dược liệu, cùng làm giàu trên chính vùng đất Đăk Hà này.
Tại xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông), ông Ngô Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Ngọc Yêu cho biết, trên địa bàn xã, người dân đã trồng các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sơn tra, sa nhân. Nhờ trồng, kinh doanh dược liệu, bà con đã có thêm thu nhập. Sắp tới, địa phương sẽ có thêm chính sách hỗ trợ dân phát triển dược liệu.
Tỷ phú dược liệu
Đến nay, huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được hơn 3.950ha dược liệu trong dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, sâm Ngọc Linh là hơn 2.401ha, cây dược liệu khác 1.556ha.
Làm việc với Phóng viên Báo SGGP, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tại địa phương, cây dược liệu được xác định giúp dân xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu. Thời gian qua, việc phát triển dược liệu trên địa bàn huyện được lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao.
Ngoài hoạch định chiến lược phát triển thông qua văn bản, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên băng rừng kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đầu tư, phát triển dược liệu. Khi sâm bị bệnh chết, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo sớm tìm nguyên nhân để khống chế và hỗ trợ cho dân. Nhờ đó, nạn sâu bệnh trên sâm Ngọc Linh đã được khống chế, ngân hàng tiến hành khoanh nợ, còn doanh nghiệp chung tay hỗ trợ giống cho dân tái đầu tư. Tỉnh cũng dành các nguồn vốn để hỗ trợ người dân.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp, từ tiềm năng, huyện đã biến vùng đất này thành một trong ba vùng trồng dược liệu của tỉnh. Địa phương đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung, điển hình như vùng trồng sâm Ngọc Linh tại xã Ngọk Lây, Tê Xăng, Măng Ri, Đăk Na và đang mở rộng ra các xã trong vùng chỉ dẫn địa lý; hình thành vùng trồng sâm dây, sơn tra tại 10/11 xã.
Huyện có nhiều cái nhất như diện tích sâm Ngọc Linh nhiều nhất, nhiều tỷ phú Xơ Đăng nhờ sâm Ngọc Linh nhất, nhiều diện tích dược liệu nhất, nhiều sản phẩm dược liệu được chế biến nhất. Hiệu quả đi kèm là người dân đã thay đổi ý thức khi biết chủ động đầu tư kinh doanh. Đời sống của họ đã khấm khá hơn nhờ sự thay đổi này.
Cũng theo ông Mạnh, chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là Tê Xăng, Măng Ri, Ngọk Lây, năm 2022, có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu. Những người này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng. Điểm chung là họ biết khai thác giá trị của cây dược liệu, biến loại cây vốn là thế mạnh của vùng đất quê hương trở thành cây làm giàu cho gia đình mình. Hiện UBND huyện đang triển khai các bước hình thành Trung tâm giống dược liệu theo Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.