Hàng năm, Chính phủ có rất nhiều dự án với nguồn kinh phí lớn để cải thiện đời sống người dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số ven rừng. Trong đó, phát triển ngành dược liệu dưới tán rừng đang được các bộ ngành, địa phương ưu tiên và xem là hướng đi đúng đắn, phù hợp. Thế nhưng, vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc về quy định, pháp lý và hạn chế về khoa học, kỹ thuật khiến ngành kinh tế mới này bị kìm hãm.
Có tiền mà không tiêu được
Tại những cánh rừng phòng hộ ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), nhiều năm qua thường xuyên xảy ra nạn phá rừng quy mô lớn. Theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, nguyên nhân là do đời sống bà con ở đây còn nghèo khó. Vừa rồi, trong chương trình quốc gia về cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, xã Phú Mỡ được ưu tiên hỗ trợ gói kinh phí hơn 10 tỷ đồng để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể và thiếu cơ sở nghiên cứu các dược liệu nên địa phương đang rất lúng túng, có tiền mà không tiêu được.
Một mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở rừng đặc dụng, phòng hộ tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Tương tự, tại huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), dù đã có hẳn một nghị quyết để phát triển dược liệu, nhưng địa phương cũng đang loay hoay trong triển khai các chương trình, dự án cụ thể. “Hiện chưa có một văn bản hướng dẫn nào từ các cấp, nên chúng tôi cũng rất lúng túng. Nếu làm thì chẳng khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”, có khi sai quy định. Huyện Trà Bồng hiện đã tìm được vùng trồng, có các đánh giá, điều tra khoa học kỹ lưỡng nhưng vướng nhất vẫn là cân, đo, đong, đếm hiện trạng rừng để triển khai. Nhưng kinh phí ở đâu và ai làm việc này thì vẫn còn là một dấu hỏi”, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Bồng Huỳnh Thị Thanh Thúy nêu khó.
Người dân ở ven tán rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão, Bình Bịnh) mong chờ kinh phí, dự án để tham gia trồng dược liệu cải thiện sinh kế. Ảnh: NGỌC OAI |
Trong khi đó, một số địa phương miền núi Quảng Nam thì gặp khó khăn về giao thông để vận chuyển các loại nông sản, dược liệu đi tiêu thụ. Tại các huyện Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My…, hệ thống đường sá mặc dù được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhưng cứ qua mỗi mùa mưa lũ là sạt lở, chia cắt. Nguồn lực của địa phương có hạn nên nhiều tuyến đường bị sạt lở 2-3 năm vẫn chưa được khắc phục. Ngoài ra, đa số người dân trồng dược liệu đều tự phát nên sau khi thu hoạch thường bị thương lái ép giá, chịu nhiều thiệt thòi.
Mô hình trồng gừng sẻ bản địa ở rừng núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã được các doanh nghiệp bao tiêu nhưng sản phẩm còn rất hạn chế. Ảnh: XUÂN HUYÊN |
Nhà đầu tư gặp khó
Là đại diện doanh nghiệp đầu tư dự án sâm Ngọc Linh lớn ở Quảng Nam, ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sâm Sâm Group, than: Trồng sâm Ngọc Linh cần phải có mái che để bảo vệ sâm không bị mưa gió gây giập nát. Tuy nhiên, quy định của ngành lâm nghiệp là không được tác động vào bất cứ thứ gì dưới tán rừng, rất khó cho những người trồng như chúng tôi, chưa kể sẽ bị thiệt hại lớn khi có mưa lũ.
Các nhà khoa học về dược liệu đang khảo sát tiềm năng các “kỳ hoa dị thảo” ở đỉnh rừng Cà Đam, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: XUÂN HUYÊN |
Theo ông Nguyễn Đức Lực, tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Chương trình sâm Việt Nam đến 2030 với sản lượng 300 tấn sâm/năm. Trong đó, Quảng Nam đã kế thừa chương trình này rất nhanh và phấn đấu trở thành “thủ phủ” sâm cả nước. Vì vậy, trong hoạch định ban đầu, các địa phương, bộ ngành cần tham mưu Chính phủ nên mở ra một hành lang pháp lý để thống nhất, hài hòa lợi ích các bên.
“Ngoài ra, chương trình sâm, dược liệu cần tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình GACP của WHO (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới), kể cả phân bón, chế phẩm sinh học, quy trình chăm sóc, thu hoạch… để đảm bảo tạo ra 300 tấn sâm mang thương hiệu Việt Nam”, ông Lực nói thêm.
Nhiều mô hình trồng sâm ven tán rừng Ngọc Linh gặp khó do quy định rừng đặc dụng quá ngặt nghèo. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Còn tại vùng rừng Hoành Sơn (giáp ranh tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh), người dân đang khai thác nhiều loại dược liệu có giá trị, như: lá dung, sim quả, chè vằng, dâu rừng (thanh mai rừng), rành rành, cà gai leo…
Chị Đặng Dương (quê ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), một thương lái dược liệu tâm sự: “Hầu hết các sản phẩm dược liệu chúng tôi đều bán cho các thương hội, hiệp hội dược liệu để xuất bán đi nhiều nơi. Mặc dù mạng lưới thương hội dược liệu cả nước đã hình thành, nhưng chỉ mang tính tự phát nên giá cả rất bấp bênh, trôi nổi và còn rất rẻ. Vì vậy, để phát triển tốt ngành dược liệu rất cần doanh nghiệp lớn tham gia, bao tiêu sản phẩm và Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ, vốn vay để phát triển dược liệu dưới tán rừng, hướng dẫn thêm về nguồn cây giống đảm bảo”.
Những mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở rừng đặc dụng, phòng hộ đang gặp khó bởi các rào cản về quy định, pháp lý lâm nghiệp. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Cần đầu tư xứng tầm
Nhìn nhận nhiều cơ hội, thời cơ để phát triển ngành kinh tế dược liệu, GS-TS Trần Công Luận (nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TPHCM), nêu: “Sau tròn 50 năm phát hiện cây sâm Ngọc Linh, hiện các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu sâu về sâm thì có sản phẩm nhưng vẫn chưa đa dạng để phục vụ cho nhu cầu của thị trường.
Các phân khúc sản phẩm vẫn chưa nhiều, chưa mang tính thương hiệu cao, các doanh nghiệp vẫn chưa đủ tầm để quảng bá ra thế giới. Việc kiểm soát chất lượng cũng như phân biệt sâm Ngọc Linh với các vùng sâm khác cũng cần đầu tư từ phía Nhà nước, như xây dựng các trung tâm kiểm định về sâm để người dân yên tâm khi bỏ tiền mua, sử dụng”.
Một mô hình sản xuất sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp dưới tán rừng theo hướng dẫn GACP - WHO tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Mặt khác, theo GS-TS Trần Công Luận, bên cạnh tập trung phát triển dược liệu dưới tán rừng hiện có, các địa phương cũng nên xây dựng vùng trồng chuyên canh, tạo độ phủ xanh để phát triển quy mô lớn, sản phẩm dồi dào đáp ứng thị trường. Muốn làm được điều đó cần phải đầu tư về khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Thực tế, ngành kinh tế dược liệu đang và sẽ là xu thế mới trên thế giới nên sẽ có sự kích thích, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây cũng là cơ hội, nhưng chúng ta cần nghiên cứu để có hành lang pháp lý tốt thúc đẩy, tạo môi trường tốt cho nhà đầu tư tham gia tích cực.
Bên trong khu vườn nhân giống sâm Ngọc Linh quy mô lớn ở miền núi tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Ở góc độ quản lý rừng đặc dụng, ông Khiếu Đức Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn (An Lão, Bình Định), cho rằng: “Phát triển dược liệu tán rừng là hướng đi đúng, nhưng cần phải xác định rõ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng tham gia và vùng trồng, loài dược liệu. Đặc biệt, cần phát triển các loại dược liệu dưới tán rừng sản xuất để nâng chất lượng rừng, nhằm ứng phó thiên tai, bão lũ, sạt lở, hạn hán… Ngoài ra, cần có sự tham gia của 4 bên: chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân để tạo thành chuỗi kết nối, mạng lưới hỗ trợ nhau gắn với chế biến sâu tạo sản phẩm tiêu biểu”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (áo trắng) kiểm tra cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô tại một cơ sở nuôi trồng sâm Ngọc Linh trên địa bản tỉnh Quảng Nam vào cuối năm 2022. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Vừa qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, liên quan đến dự án trồng dược liệu quý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin, Chính phủ đang giao Bộ Y tế chủ trì, hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến để sửa Thông tư 10/2022/TT-BYT về việc hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Còn về vướng mắc trong phát triển dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do quy định Luật Lâm nghiệp, ông Hầu A Lềnh cho biết, các bộ ngành chức năng cũng đang tích cực rà soát để tham mưu nhằm tháo gỡ cho các địa phương.