Nằm trong quần thể rừng Nam Trường Sơn, dãy núi Ngọc Linh được mệnh danh là “núi chúa” không chỉ bởi độ cao trên 2.600m mà còn là “lãnh địa” của nhiều loài sâm quý, trong đó có loại sâm được mệnh danh là quốc bảo Việt Nam. Ven các dãy núi cùng hệ với Ngọc Linh, nhiều dược liệu cũng đang được khai phá với tiềm năng, giá trị kinh tế rất cao, có những loài giá trị lên đến hàng tỷ đồng khi xuất khẩu.
Rừng núi ở miền Trung ẩn giấu vô vàn “kỳ hoa dị thảo” quý hiếm vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Ảnh: DŨNG NHÂN |
Khai phá “kho báu” của rừng
Ở dưới mái nhà Trường Sơn huyền thoại, tỉnh Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi với gần 500.000ha rừng tự nhiên ẩn giấu nhiều sản vật, “kỳ hoa dị thảo” quý hiếm. Cùng với đó là những tộc người Cơ Tu, Ca Dong, Xê Đăng sinh sống rải rác trên địa bàn thuộc các huyện Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, đều có lịch sử gắn bó lâu đời với rừng. Qua bao đời, họ sinh tồn dưới tán rừng một cách khỏe mạnh nhờ vào những bài thuốc giấu, thuốc “tắk tổ” (tên gọi loài thảo dược bản địa)…
Ngày nay, dưới những mái nhà Xê Đăng vẫn còn nguyên vẹn ký ức về tình quân dân trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Ngày ấy, bộ đội ta sau mỗi trận tập kích các cứ điểm địch có chiến sĩ bị thương đều trở về các buôn làng Xê Đăng và được bà con chữa trị, chăm sóc bởi những bài thuốc thần bí nhưng hiệu quả rất cao.
Cứ thế, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ của quân ta dần khỏe mạnh, vượt ải tử thần để trở lại chiến trường. Đến năm 1973, một đoàn công tác do dược sĩ Đào Kim Long đến vùng núi Ngọc Linh và phát hiện ra loài sâm hoàn toàn mới, chưa từng được công bố với mật danh là sâm K5 (sâm Khu 5). Cũng từ đây, loài sâm “vua” Ngọc Linh, một trong 5 loài sâm quý nhất thế giới được khai phá và trở thành bảo vật riêng có của nước ta…
Việc chăm sóc cây sâm Ngọc Linh phải thường xuyên có người túc trực do bị dịch bệnh, chuột, chồn phá hoại hay rất dễ bị ăn trộm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Bên cạnh sâm Ngọc Linh, ngược về các dãy núi cùng hệ ở biên giới Tây Giang (giáp ranh giữa Quảng Nam với Sekông, Lào), chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ngôi làng, bộ tộc sở hữu và nhân trồng nhiều loài dược liệu, như: đảng sâm, ba kích, nấm linh chi, nấm lim xanh…
Ở xã Lăng không ai là không biết đến già làng Bríu Pố (74 tuổi, thôn Arớh, xã Lăng) - người tiên phong đưa cây sâm ba kích ra khỏi rừng già và trồng thành công ở bìa rừng giúp cả xã làm giàu. Già Bríu Pố kể rằng, vào đầu những năm 2000, khi các nhà khoa học về nghiên cứu dược liệu ở xã Lăng đã phát hiện ba kích- một loài cây thuốc quý mọc ở khắp sườn đồi, ven núi.
Nhiều thanh niên, giới trẻ ở miền núi ven rừng Ngọc Linh hôm nay đã có cơ hội ở lại quê nhà để tham gia các mô hình trồng sâm với thu nhập rất khá. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Kể từ đó, ba kích trở nên “sốt” ở xã Lăng, khắp nơi bà con đổ xô vào các cánh rừng gần xa để săn tìm và đào loài sâm quý này. Nhưng khai thác mãi rồi cũng đến hồi cạn kiệt. “Về sau, nhiều đoàn người đi biền biệt cả tháng trời trong rừng sâu hơn cũng hiếm khi mang về được sâm ba kích. Cứ thế, nguồn sâm dần ít ỏi, tìm mãi không ra nữa. Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi đưa ra quyết định sẽ mang cây sâm về sau vườn nhà trồng thử nghiệm”, già Bríu Pố kể.
Thấy già Pố mang gùi đi vào rừng sâu rồi đưa về những cây sâm ba kích rất nhỏ, giâm cành đem trồng sau vườn nhà như khoai lang thì ai nấy trong làng đều cho rằng “già Pố bị điên rồi!”. “Họ bảo tôi điên vì không để đất đai trồng ngô, mì, lúa mà đi trồng loài cây của trời, của Giàng. Về sau, tôi trồng thành vườn ba kích tươi tốt cho củ bán có thu nhập thì bà con mới thay đổi cách nghĩ và học theo”, già Pố cười nói.
Già làng Bríu Pố (74 tuổi) – người tiên phong đưa “thuần hóa” cây sâm Ba Kích ra khỏi rừng già giúp cả xã Lăng (huyện Tây Giang, Quảng Nam) làm giàu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Hiện nay trong xã Lăng có hơn một nửa số hộ trồng sâm ba kích. Đây là dược liệu có giá trị kinh tế khá cao và đầu ra ổn định với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Đưa chúng tôi tham quan vườn sâm 3ha của mình, già Pố giới thiệu, sâm ba kích ở rừng Tây Giang được nhiều doanh nghiệp đánh giá có dược tính tốt; sâm cho thu hoạch sau 4 năm trồng. Nhiều hộ gia đình trồng ở các khu đồi rộng thì có thể trồng theo mô hình “gối vụ”, năm nào cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng, giúp nhiều hộ trở nên khá giả.
Người dân ở xã Lăng đang cấy nuôi sâm ba kích dưới tán rừng tự nhiên. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
“Hồi sinh” dược liệu tiền tỷ
Nhiều thập niên trở về trước, tại những cánh rừng vùng Trung bộ, cánh phu rừng ở khắp nơi đổ đến săn lùng các loài dược liệu thân gỗ cực kỳ quý hiếm để lấy dầu. Loài cây này có tên gọi chung là trầm hương, nhưng phân theo nhiều nhánh với giá trị khác nhau, trong đó kỳ nam là hạng 1, hạng 2 là trầm hương.
Theo lời kể của ông Nguyễn Hữu Toàn (65 tuổi, ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định, người có thâm niên 26 năm nuôi và kinh doanh trầm hương), thời kỳ đỉnh cao nhất của trầm hương là vào những năm cuối thập niên 80 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Lúc ấy, ở miền Trung giới săn trầm chia ra làm 2 cánh, phía Bắc miền Trung chuyên săn trầm hương (trầm sống và trầm rục), còn cánh Nam Trung bộ thì chuyên săn kỳ nam.
“Ngày ấy, rừng núi miền Trung là thủ phủ của trầm hương, kỳ nam nhưng thật đáng tiếc trải qua thời kỳ bị khai thác bừa bãi, đến nay loài cây quý này cạn kiệt, tuyệt chủng. Hiện, kỳ nam được các công ty nước ngoài mua với giá trên 20 tỷ đồng/kg nhưng không tìm ra để bán”, ông Toàn nuối tiếc kể.
Vườn cây trầm hương hàng chục năm tuổi, trị giá hàng chục tỷ đồng của ông Nguyễn Hữu Toàn (65 tuổi, huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI |
Để giữ gìn thương hiệu trầm Việt, ông Nguyễn Hữu Toàn đã trồng nuôi khoảng 20.000 cây trầm, với khu vườn 13ha. Trong đó, có 2.000 cây trầm có tuổi từ 20-30 năm, chất lượng dầu rất tốt, mỗi ký có thể bán với giá trên 20 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông Toàn còn thành lập công ty riêng để chuyên kinh doanh, mua bán trầm ở 17 tỉnh, thành cả nước để xuất khẩu.
“Trầm hương hay kỳ nam thường được chiết xuất ra nhiều thuốc quý, trong đông y có thể ví như cây chữa bách bệnh, ngoài ra còn có giá trị khác về mặt phong thủy, tâm linh và làm đẹp… Trầm hương thường xuất khẩu qua nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka, Arập, các nước Hồi giáo…”, ông Toàn cho biết.
Trở vào cánh rừng phòng hộ Đồng Xuân (Phú Yên), chúng tôi được nghe nhiều giai thoại về một thời rừng núi nơi đây bị xới tung bởi nạn săn đào kỳ nam. Hiện, kỳ nam đã không còn nhưng nhờ hệ sinh thái phong phú của rừng mưa nhiệt đới chuyển tiếp nên ở đây còn rất nhiều dược liệu quý. Đặc biệt, trước đây qua khảo sát, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân phát hiện một loại dược liệu quý trong họ trầm hương, đang “hồi sinh” rải rác ở các khu vực rừng.
Cán bộ trẻ ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Đồng Xuân (Phú Yên) chăm sóc vườn dó gạch đã nhân giống, thuần nuôi được ở bìa rừng. Ảnh: NGỌC OAI |
Ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân, kể: “Loài dó gạch là một loài cây thuộc họ trầm hương và cùng hệ như kỳ nam. Loài này hiện cả nước và thế giới vẫn rất hiếm thấy, chỉ mỗi rừng Đồng Xuân ghi nhận còn khá nhiều cá thể sinh trưởng. Hiện, chúng tôi đang theo dõi, bảo tồn và nhân giống loài dược liệu này được 2.000 cây giống để bảo tồn nguồn gen. Theo khảo sát, giá trị thương mại của dầu cây dó gạch có thể bán từ 2-10 tỷ đồng/kg”, ông Háo chia sẻ.
Còn tại xã biên giới Chơ Chun (huyện Nam Giang, Quảng Nam), cộng đồng người Cơ Tu, Giẻ Triêng cũng đang sở hữu nhiều dược liệu bản địa. Trong đó có loài sâm 7 lá (tên gọi khác là thất diệp nhất chi hoa, thuộc danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA). Ông A Viết Mia (ở thôn Blăng, xã Chơ Chun) là lớp người có công “di thực” loài sâm này từ rừng về thuần nuôi và trồng sau làng.
“Ở đây, loài cây này được bà con sử dụng chữa rắn độc cắn, sát thương chống nhiễm trùng, trị sốt xuất huyết và hen suyễn… Từ năm 2012, chúng tôi bắt đầu thuần nuôi loài cây này tại vườn nhà, rẫy vì giá trị kinh tế rất cao”, anh Mia kể.
Sâm 7 lá đến tuổi thứ 7 có thể thu hoạch, bình quân từ 2-3 triệu đồng/kg; nhiều củ đẹp, già hơn có giá từ 4-6 triệu đồng/kg. Hiện, vườn sâm ông Mia có khoảng 300 cây, đang tiếp tục mở rộng. Ngoài ra, phong trào trồng loài sâm này đã lan khắp xã Chơ Chun với 20 hộ trồng, bình quân mỗi hộ trồng từ 2.000-3.000 cây.
Hai “cụ” sâm 7 lá 1 hoa của anh A Viết Mia (xã biên giới Chơ Chun, huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã đến mùa thu hoạch. Ảnh: MINH HUY |
Quảng Nam phấn đấu xây dựng “thủ phủ” sâm, dược liệu
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, địa phương đang phấn đấu xây dựng thành “thủ phủ” sâm lớn nhất cả nước, với diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu 16.000ha. Hiện, tỉnh đang triển khai 10.000ha với sự tham gia của 20 doanh nghiệp cùng cộng đồng cư dân bản địa. Dự kiến, đến năm 2045, tỉnh sẽ đầu tư 1.800 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu sâm và dược liệu, trong đó dành 1.000 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng.