Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục quản lý thị trường nhìn nhận, hàng giả là gánh nặng cho xã hội. Nhiều mặt hàng bán chạy trên thị trường đều bị làm giả (quần áo, giày dép, thực phẩm…). Dịp cuối năm cũng là lúc hàng giả, gian lận thương mại gia tăng, nhất là trên mạng xã hội.
“Một số sàn thương mại điện tử bán đồng hồ đôi 2 của Thụy sĩ có giá chưa tới một triệu đồng; quần áo, giày dép, mỹ phẩm chính hãng của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới có giá vài trăm ngàn đồng. Hàng thật không thể có giá này”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam cho hay.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM thừa nhận, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn. Có những sản phẩm tem nhãn, mã QR chống giả... cũng bị làm giả.
Bức xúc trước thực trạng giả mạo sản phẩm, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty thời trang Nón Sơn thẳng thắn chỉ ra rằng, các sàn thương mại điện tử góp phần không nhỏ quảng bá hàng dỏm và là nỗi lo ngại của doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Tý cho biết một số sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee… vừa quảng cáo bán sản phẩm chính hãng lại vừa bán hàng nhái, hàng giả.
Ở góc độ doanh nghiệp chuyên về chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG thông tin, sắp tới, doanh nghiệp ra mắt công nghệ chống hàng giả trên bao bì (máy móc nhập từ Đức, Ấn Độ, Nhật Bản…), tiết kiệm chi phí lớn.
“Thời gian qua, chúng tôi phát hiện việc làm giả bao bì rất tinh vi, nên chúng tôi đã chủ động áp dụng công nghệ chống giả trên bao bì, nhằm truy vết sản phẩm, quản lý hệ thống bán hàng… Hàng năm, chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, có các hội thảo tuyên truyền về chống hàng giả để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Nguyễn Viết Hồng nói.