Ngoài 2 vợ chồng Dung, còn có bị cáo Li Shao Long (sinh năm 1987) và Liu Jian Min (sinh năm 1979) đều quốc tịch Trung Quốc hầu tòa về hành vi "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Các bị cáo tại phiên toà
Quá trình xét xử làm rõ, Li Shao Long vốn là đối tượng bị Công an Trung Quốc truy nã về hành vi "Cố ý gây thương tích".
Theo đó, vào năm 2009, Long nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng thuyền qua sông Ka Long, TP Móng Cái, Quảng Ninh. Đối tượng thường xuyên thay đổi chỗ ở để tránh bị phát hiện.
Đến năm 2012, Long mở cửa hàng quần áo trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội và tuyển Đặng Thị Hương (sinh năm 1991 làm nhân viên bán hàng). Sau đó, 2 người nảy sinh tình cảm, chung sống như vợ chồng và có 2 con chung.
Năm 2015, Long tiết lộ thân phận của mình nên Hương đòi chia tay.
Lúc này, bà Nguyễn Thị Hưng (mẹ đẻ Hương) biết chuyện. Long không giấu thêm mà đưa 15 triệu đồng nhờ bà Hưng tìm đầu mối làm giúp chứng minh thư nhân dân (CMND) giả. Bà Hưng nhờ vợ chồng Thuấn làm CMND cho Long dưới tên khác là Đặng Tiến Hiệp.
Năm 2018, Long sử dụng CMND trên để xin việc tại Công ty cổ phần kỹ thuật và khoa học Vĩnh Khang (TPHCM). Bị cáo cũng dùng CMND giả để mở các tài khoản ngân hàng.
Tương tự, Liu Jian Min cũng là đối tượng bị truy nã về hành vi "Lừa đảo hợp đồng". Năm 2018, Min nhập cảnh vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch.
Qua một người bạn, Min quen biết và nhờ Long, Hương làm giả căn cước công dân để ở lại Việt Nam. Min khai, thỏa thuận với Hương giá làm căn cước công dân là 400 triệu đồng. Lần này, Hương đưa Min gặp vợ chồng Thuấn để làm giả CMND mang tên Đặng Thị Hương.
Đối tượng sử dụng CMND giả để đăng ký tạm trú tại phường Võ Cường, TP Bắc Ninh.
Liên quan đến vụ án còn có các cá nhân như Đặng Thị Hương, Nguyễn Thị Hưng, Đặng Tiến Hiệp.
Sau khi xem xét, tòa án xử phạt Dung mức án 8 năm tù, Thuấn 7 năm tù về 2 tội danh trên. Còn Long lĩnh 3 năm 6 tháng tù, Min 3 năm tù. 2 bị cáo Long và Min cũng bị trục xuất ra khỏi Việt Nam sau khi chấp hành xong án phạt tù.