Câu chuyện thương tâm về bé gái 15 tuổi học lớp 9 ở tỉnh Đồng Nai đã chọn cách quyên sinh do bị bạn trai tung clip sex lên Facebook khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình, lo ngại. Trước bài học đắt giá này, gia đình phải trang bị cho con cái kỹ năng sống, tự vệ như thế nào để tránh khỏi vùng xoáy nguy hiểm của mạng xã hội?
Không thấu hiểu làm sao đồng hành…
Nhiều gia đình đã tạo nhóm riêng trên Facebook để trao đổi những gì riêng tư, “khoe” những tấm ảnh mới chụp, ôn những kỷ niệm cũ… Nhưng cũng có không ít gia đình tuy ở gần nhau nhưng lại cách xa và không hiểu nhau và mượn “phây” giải khuây, chia sẻ với người lạ. Vì sao một bộ phận con cái không thích kết bạn với chính người thương yêu, gần gũi mình? Chị Diệu Phương tâm sự: “Hai con tôi, một học lớp 10 và một học đại học nhưng không chịu cho vợ chồng tôi vào “phây” của chúng. Vì thế, tôi không biết chúng kết bạn với ai, trao đổi, khoe khoang cái gì để điều chỉnh, dạy bảo…”. Tương tự, chị Thiện Ý (Q.1, TPHCM) bộc bạch, con gái chị, học lớp 9, kiên quyết không cho mẹ vào “phây” của mình. Để hiểu con đang đi theo hướng nào, kết bạn với ai, chị phải lấy một nickname khác giả làm teen nên mới thấu hiểu suy nghĩ, tâm sự của con qua “phây”. Nhờ mạng, chị hiểu con mình đang thay đổi tâm sinh lý ra sao và mong muốn điều gì để chia sẻ với con nhiều hơn.
Một bà mẹ là giảng viên đại học nhưng không thể chia sẻ, đồng hành với con trai mới lớn là đồng tính nam. Cậu ta phải dùng “phây” để kết bạn, trải lòng với những người cùng thế giới thứ ba và ao ước: “Nếu cha mẹ hiểu mình và đồng hành với mình thì hạnh phúc biết bao”.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy, sở dĩ con cái, nhất là tuổi teen, không muốn chia sẻ với cha mẹ là do người lớn chưa thật sự gần gũi, thấu hiểu con. Muốn con chia sẻ, trải lòng thì phải trở thành bạn của con đúng nghĩa, thấu hiểu diễn biến tâm sinh lý phức tạp ở từng độ tuổi. Đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của người lớn, bắt con phải làm theo những gì cha mẹ thích.
Tạo “vắc xin tự vệ” cho con?
Tại buổi tọa đàm “Ứng phó khi con rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội” mới đây, nhiều câu hỏi nóng được đặt ra như “Làm thế nào để con em không rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội và đối phó như thế nào?”, “Tại sao con cái chúng ta lại dễ bị tổn thương, thậm chí có thể dẫn đến những cái chết đau lòng do mạng xã hội?...
Chuyên viên tâm lý Lê Thụy Bảo Nhi chia sẻ: “Muốn con không rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội, nên làm bạn với con ngay từ nhỏ, luôn đồng hành với con trong tiếp cận mạng xã hội. Ngoài ra, phải tin tưởng, tôn trọng suy nghĩ, ý kiến của con”. Th.S Giáo dục Phạm Thị Tuynh nêu ý kiến: “Cần dành tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ với con cái nhiều hơn trong đời thật và hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội cho đúng cách, an toàn”. Th.S, bác sĩ Nguyễn Lan Hải đưa ra lời khuyên: “Trước khi cho con sử dụng mạng xã hội hãy dạy con cách ứng xử, cách làm người, phải giới hạn tuổi cũng như giới hạn thời gian cho con sử dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, phụ huynh phải làm gương cho con”.
Nhiều chuyên gia cảnh báo không nên chia sẻ thông tin riêng tư, hình ảnh con trẻ lên mạng xã hội. Vì như vậy chính chúng ta vô tình đẩy con vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội.
Nhiều ý kiến chia sẻ kinh nghiệm, cách giải quyết khi con em không may bị mạng xã hội tấn công. Theo đó, người lớn, cha mẹ không nên la mắng, đánh đập hay ruồng bỏ mà hãy mở rộng vòng tay che chở, an ủi con em. Để giúp các em có chỗ dựa tinh thần, tự tin trở lại thì gia đình nên tổ chức những chuyến đi xa, không điện thoại, không Internet…
Theo chuyên gia Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội quán Các bà mẹ TPHCM, chúng ta không thể ngăn cản trào lưu sử dụng Facebook cũng như tìm cách kiểm soát nó. Để gần con, hiểu con, các bậc cha mẹ hãy hội nhập xu thế hiện đại thời công nghệ số để bắt kịp con cái. Kết bạn với con sẽ hiểu con nhiều hơn. Nhưng để con chấp nhận kết bạn phải có nghệ thuật sẻ chia, đồng hành chứ không nên áp đặt suy nghĩ, cảm nhận cứng nhắc của người lớn. Các ông bố, bà mẹ nên lập nhóm trên “phây” để chia sẻ kinh nghiệm dạy con, tạo “vắc xin” giúp con cái cảnh giác với những vòng xoáy nguy hiểm của mạng xã hội luôn rình rập.
HÀ KHÁNH