Làm gì để vượt qua “hoàn lưu” kinh tế sau thiên tai?

Tổng cục Thuế vừa gửi văn bản đến 26 cục thuế địa phương thuộc 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và Thanh Hóa, nêu rõ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3 (bão Yagi) sẽ được miễn, giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng (VAT), tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên và sử dụng đất phi nông nghiệp. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Làm gì để vượt qua “hoàn lưu” kinh tế sau thiên tai?

Động thái này mang tính “khoan thư sức dân”, đồng thời cũng xác định theo đó GDP năm nay giảm 0,15% do các địa phương trên chiếm trên 41% GDP và 40% dân số cả nước, theo đánh giá của Bộ KH-ĐT.

Một giả thiết được đặt ra với hai địa phương là Quảng Ninh và Hải Phòng - vốn là trung tâm công nghiệp của miền Bắc, cần có những đánh giá sát về mức độ hư hại về nhà xưởng sản xuất (tác động lên năng lực sản xuất) của hai địa phương thì mới có thể biết được sự giảm sâu hay nông của công nghiệp - dịch vụ liên quan tác động đến nền kinh tế.

Bởi, các tỉnh miền Bắc bị lũ quét đa phần không phải là các trung tâm sản xuất nên không tác động nhiều đến tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ cả nước.

Trong vòng 5 năm mà đất nước đã phải hứng chịu liên tiếp hai thảm họa dịch bệnh - thiên tai, nên những nỗ lực nhằm sinh tồn, phục hồi là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, so sánh với các nước, chúng ta cần có kế hoạch quản trị rủi ro quốc gia với các thảm họa thiên tai - dịch bệnh một cách hệ thống cả trước, trong và sau thảm họa.

Bão, lũ tác động tức thời, trực tiếp đến cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh; gián tiếp làm giảm nguồn nhân lực và ảnh hưởng đến vốn vật chất cho các hoạt động kinh tế (hạ tầng, cơ sở vật chất, nhà xưởng… bị tàn phá).

Chúng tác động đến sản xuất (tổng cung) trong cả ngắn hạn với hệ quả khó tránh khỏi là do cần thời gian để tái kiến thiết và đầu tư vào nguồn nhân lực cũng như máy móc thiết bị nhà xưởng… Về mặt dài hạn thì tùy thuộc vào chính sách và chiến lược tái kiến thiết của Chính phủ nhanh hay chậm mà có thể dẫn đến hệ quả tích cực hay tiêu cực.

Nếu có thể đầu tư tái kiến thiết sản xuất với vốn hiện vật (cơ sở vật chất sản xuất) tân tiến và hiệu quả hơn, thì có thể thúc đẩy sản xuất hiệu suất cao hơn trong dài hạn.

Bên cạnh đó cần áp dụng hiệu quả các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp tái kiến thiết và tổ chức sản xuất trong việc ưu đãi thuế và thiết kế gói đầu tư công để sửa chữa, nâng cấp hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng bị thiệt hại.

Áp dụng các chính sách tài chính tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với các gói tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp tái kiến thiết hoạt động sản xuất. Cũng nhân cơ hội này có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các vùng, lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên để nâng cao hiệu suất sản xuất và phát triển bền vững với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Vận dụng nguyên tắc “trong nguy có cơ” (“build back better”) để nhìn nhận và quyết tâm xây dựng lại mô hình đô thị phát triển bền vững, nâng cấp năng lực sản xuất để tạo sự phục hồi nhanh của nền kinh tế, xây dựng các chương trình quản trị rủi ro quốc gia trước các biến động thiên tai - nhân tai dựa trên công nghệ, chuyển đổi số.

Linh hoạt tận dụng “vốn liếng” của nửa năm đầu 2024 - với đà phục hồi tăng và tiếp tục phát huy những điểm sáng trong tháng 7, tháng 8, bội thu 4,2% GDP so với 1,5% trong nửa đầu năm 2023. Và, trên phương diện sản xuất, các lĩnh vực chế tạo chế biến, các ngành dịch vụ liên quan đến xuất khẩu và du lịch đều phải đạt mức tăng trưởng cao.

Chỉ như thế chúng ta mới có thể thoát khỏi khó khăn bởi “hoàn lưu” kinh tế - xã hội sau thiên tai - dịch bệnh, lấy lại năng lực sản xuất và đúc kết những bài học kinh nghiệm, xây dựng hệ thống giải pháp, khoa học nhằm ứng phó các rủi ro quốc gia trước khi quá muộn, phải trả giá quá đắt, thêm một lần nữa!

Tin cùng chuyên mục