Làm gì để tránh rủi ro khi sử dụng điện thoại?

Mới đây, một thanh niên Thái Lan đã bị điện giật chết khi chạm vào điện thoại di động (ĐTDĐ) iPhone đang cắm sạc. Trước đó, cũng đã từng có không ít trường hợp tai nạn do ĐTDĐ bị cháy nổ, hở dây điện khi cắm sạc… xảy ra tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… Nhiều bạn đọc đã gọi điện tới đường dây nóng Báo SGGP tỏ ý lo ngại về việc này.

Mới đây, một thanh niên Thái Lan đã bị điện giật chết khi chạm vào điện thoại di động (ĐTDĐ) iPhone đang cắm sạc. Trước đó, cũng đã từng có không ít trường hợp tai nạn do ĐTDĐ bị cháy nổ, hở dây điện khi cắm sạc… xảy ra tại Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… Nhiều bạn đọc đã gọi điện tới đường dây nóng Báo SGGP tỏ ý lo ngại về việc này.

Bạn đọc Nguyễn Hà Mai (ngụ tại Ninh Loan, Đức Trọng, Lâm Đồng) phản ánh: “Chiếc ĐTDĐ Nokia của ba tôi mới mua gần 2 tháng thỉnh thoảng bị nóng ran. Nếu vô tình chạm tay vào lúc đang sạc pin sẽ bị điện giật tê tay. Như vậy có nguy cơ xảy ra cháy nổ không?”. Bạn đọc Ngô Văn Chuyên (ngụ tại phường 6, quận 6, TPHCM) cũng phản ánh: “Chiếc iPhone 4S của tôi thỉnh thoảng bị nóng muốn phỏng tay. Nhưng nhiều lần mang đến nơi bảo hành chính hãng, nhân viên kỹ thuật ở đây đều khẳng định sản phẩm hoàn toàn bình thường, nhưng tôi thấy không yên tâm chút nào”.
Được biết, cơ quan điều tra của các nước có trường hợp tử vong liên quan đến ĐTDĐ đã xác định nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn của người tiêu dùng, như vừa sạc pin vừa nghe điện thoại, sử dụng dụng cụ sạc và pin thiếu đồng bộ, không chính hãng…

Để trả lời thắc mắc của bạn đọc, PV Báo SGGP đã trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Trọng Hải, giảng viên chuyên ngành điện tử - viễn thông Trường Đại học Công nghệ TPHCM. Ông Hải cho biết: Trường hợp máy tốt, dụng cụ sạc an toàn thì nghe, gọi khi đang sạc ĐTDĐ cũng không vấn đề gì. Nhưng nếu mạch hoặc dụng cụ sạc bị hở điện, có thể gây nguy hiểm cho người dùng, thậm chí mất mạng, bởi trong khi vừa sạc vừa nghe, pin cùng lúc làm 2 chức năng nạp và xả khiến pin dễ bị phình to, có nguy cơ gây cháy nổ.

Bên cạnh đó, thói quen thích mày mò, tự sửa điện thoại, dễ dãi khi chọn mua pin và dụng cụ sạc trôi nổi cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ điện thoại. Do vậy, để loại bớt những rủi ro không đáng có trong quá trình sử dụng, người tiêu dùng nên tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu gặp trục trặc nên đem sản phẩm tới nơi bảo hành chính hãng để kiểm tra, sửa chữa.

Ở góc độ nhà cung cấp sản phẩm ĐTDĐ, ông Đoàn Văn Hiểu Em, đại diện Công ty cổ phần Thế Giới Di Động, khuyến cáo: “Hiện nay, cháy nổ có thể xảy ra với tất cả các dòng ĐTDĐ của nhiều thương hiệu khác nhau. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản: không để vật kim loại tiếp xúc với các cực âm, dương của pin. Tránh để pin trong túi lẫn lộn với chìa khóa xe, kẹp giấy, bút có vỏ kim loại..., vì pin dễ chập mạch, gây cháy nổ. Giữ máy ở tình trạng khô ráo, không thấm nước khi khởi động để tránh chập mạch điện. Không nên bỏ ĐTDĐ trong túi quần, túi áo. Tắt ĐTDĐ ngay khi ở trong khu vực dễ xảy ra cháy nổ như trạm tiếp nhiên liệu, trạm nạp khí hóa lỏng, nhà máy hóa chất…

Người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm ĐTDĐ có thương hiệu, được phân phối, bán tại những đại lý lớn để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục