Thích ứng thị hiếu từng thị trường xuất khẩu
Tại diễn đàn, đại diện Bộ NN-PTNT thông tin, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 đạt tới 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít và xoài.
Dự báo, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu có thể chạm mốc 7,2 tỷ USD. Các tỉnh phía Bắc với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào. Việt Nam hiện đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Australia.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I thuộc Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu. Theo ông Chiến, tất cả các sản phẩm phải đảm bảo có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và xử lý kiểm dịch đạt chuẩn, không được nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các tiêu chuẩn về bao bì, nhãn mác mới có thể vượt qua kiểm tra tại cảng đến. Mỗi thị trường có yêu cầu riêng, như Hoa Kỳ yêu cầu loại bỏ hoàn toàn ruồi đục quả và sâu đục quả trên bưởi, trong khi New Zealand còn khắt khe hơn khi kiểm tra thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ và nhện đỏ.
Ông Chiến cũng cho biết, Hàn Quốc yêu cầu cơ sở xử lý hơi nước nóng phải đặt trong cơ sở đóng gói và được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt. Với EU, thị trường khắt khe bậc nhất, các loại cây có múi phải được xử lý bằng dung dịch Sodium hypochlorid hoặc Calcium hypochlorid theo tiêu chuẩn cụ thể. Riêng Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu lớn nhất, yêu cầu nghiêm ngặt về cửa khẩu xuất nhập, bao bì và nhãn mác.
Một tin vui cho ngành nông nghiệp là dự kiến trong năm 2025, sản phẩm chanh leo sẽ được xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đồng thời ổi, chanh, mít đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ để mở cửa thị trường.
Trái cây nhiều, nhưng ít chế biến
Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm quy hoạch 2 thuộc Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, cung cấp thêm các số liệu đáng chú ý. Tính đến năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả trên cả nước đạt 1.269.400ha, sản lượng khoảng 13,9 triệu tấn. Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỷ trọng lớn nhất với 31,8%, tiếp đến là trung du và miền núi phía Bắc với 21,4%.
Ông Hùng cũng cho rằng cần hình thành các sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả trong nước để kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Nga và Trung Đông, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Một vấn đề lớn được các chuyên gia nhấn mạnh tại diễn đàn là tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch của rau quả Việt Nam hiện vẫn ở mức cao, lên tới hơn 20%. Theo PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, ngành chế biến mới chỉ đáp ứng được 10%-17% tổng sản lượng rau quả hàng năm.
Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến nhỏ, nhưng phần lớn rau quả xuất khẩu vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản đơn giản.
PGS-TS Phạm Anh Tuấn đã giới thiệu hàng loạt công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong sơ chế và chế biến rau quả. Ví dụ, công nghệ bảo quản bằng kỹ thuật kiểm soát khí quyển, bao gói khí biến đổi, tạo màng bảo quản và giấm chín bằng khí Ethylene. Trong chế biến, các công nghệ như sấy thăng hoa, chiên chân không và cấp đông siêu tốc cũng đã được triển khai, nhưng vẫn cần mở rộng quy mô để tăng hiệu quả.
Ông Tuấn nhấn mạnh, việc lựa chọn công nghệ, xây dựng nhà xưởng phải phù hợp với đặc điểm sản phẩm, quy mô sản xuất và thị trường mục tiêu… thì mới nâng cao tỷ suất chế biến đối với trái cây - nông sản Việt Nam xuất khẩu.