Sự “xâm lược” của những vi khuẩn ngày càng thông minh hơn
Đề kháng kháng sinh là vấn đề không còn quá mới khi thế giới đang ngày ngày chứng kiến hậu quả đáng sợ của nó: hàng trăm nghìn người chết mỗi năm và phải chi hàng trăm tỷ USD để kiểm soát đề kháng thuốc. Tuy nhiên không phải ai cũng thật sự hiểu về vấn nạn toàn cầu này.
Theo Chuyên gia về bệnh Hô hấp, cơ chế của đề kháng kháng sinh có thể được hiểu đơn giản như sau: khi người bệnh sử dụng kháng sinh, thuốc sẽ tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn, trừ một số loại có khả năng kháng thuốc do có gen đột biến và ngày càng thông minh hơn nên có thể vô hiệu hóa cơ chế hoạt động của kháng sinh. Những vi khuẩn kháng thuốc này tiếp tục phát triển, nhân lên, phát tán và lây nhiễm những người khác như một cuộc “xâm lược” ồ ạt của quần thể kháng kháng sinh khiến thuốc kháng sinh dần mất tác dụng, gây ra tình trạng đề kháng thuốc.
Ngành dược không ngừng tìm kiếm giải pháp hỗ trợ hoặc thay thế để hạn chế sự phụ thuộc vào kháng sinh
Kê kháng sinh khi không cần thiết và bệnh nhân không tuân thủ điều trị là hai nguyên nhân hàng đầu của đề kháng kháng sinh. Ngoài ra cũng phải kể đến các nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém như lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, hệ thống vệ sinh yếu kém, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt, chưa có kháng sinh mới.
Ngăn chặn đề kháng kháng sinh - sứ mệnh chung
Trong bối cảnh tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm trong vòng 5 năm gần đây tại Việt Nam tăng khá cao (30% tử vong tại các cơ sở y tế công lập)1, việc kiểm soát và ngăn chặn đề kháng kháng sinh trở nên cấp bách và cần hành động ngay. Để có được hiệu quả ngăn chặn tối ưu, cần rất nhiều nỗ lực từ nhiều phía, từ đội ngũ chăm sóc y tế, bác sĩ kê toa đến việc theo dõi tương tác thuốc, nâng cao nhận thức của bệnh nhân.
Vi khuẩn đang ngày một “tinh vi”, phát triển nhanh hơn so với kháng sinh
Đối với y bác sĩ, cần tuân thủ 8 nguyên tắc kê toa2, trong đó đáng chú ý nhất là: chỉ kê toa kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn, tối ưu hóa dược lâm sàng khi kê toa, và khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị.
Việc tìm ra đúng tác nhân gây bệnh trở thành vấn đề mấu chốt trong việc quyết định chọn kháng sinh phù hợp, hoặc phối hợp các kháng sinh hợp lý, trong đó nhất thiết phải chú ý giữ gìn kháng sinh cũ, những kháng sinh còn hiệu quả nhất định theo phác đồ điều trị.
Về phía các dược sĩ cần lưu ý về cảnh giác dược, tương tác thuốc, và quản lý sử dụng thuốc nhằm hạn chế tối đa các trường hợp phản ứng có hại của thuốc, đảm bảo “4 chữ Đ” trong lựa chọn kháng sinh là: đúng thuốc, đủ liều, đủ thời gian và đúng cách.
Mặt khác, bên cạnh hướng đi truyền thống là nghiên cứu kháng sinh mới, ngành dược phẩm hiện nay cũng đang tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ hoặc thay thế để hạn chế phụ thuộc vào kháng sinh.
Chẳng hạn như bên cạnh các nỗ lực phát triển vắc-xin mới nhằm bảo vệ cộng đồng trước các tác nhân gây bệnh, phải kể đến sáng kiến về Khảo sát đề kháng kháng sinh (SOAR) mà Tập đoàn GSK đang thực hiện tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới nhằm đo lường độ nhạy cảm của các tác nhân vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường hô hấp mắc phải trong cộng đồng, đánh giá về hiệu quả của kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, hỗ trợ phát triển các phác đồ điều trị mới có hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao ý thức của giới y tế và khuyến khích sự tuân thủ tốt hơn với các nguyên tắc chỉ định/sử dụng kháng sinh hợp lý trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và cộng đồng.
Chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng do VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd tại TPHCM phối hợp cùng Hội Hô hấp TPHCM thực hiện, nhằm cung cấp kiến thức cũng như nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm thiểu tình trạng đề kháng kháng sinh