Mới đây, Tạp chí Tia Sáng (Bộ KH-CN) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Xây dựng cơ chế, chính sách để phát huy tài năng, trí tuệ các nhà khoa học trẻ”. Cuộc tọa đàm nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng và ban hành đề án tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát huy tài năng và trí tuệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam trong thời kỳ mới của đất nước. Hầu hết các ý kiến tại cuộc tọa đàm đều cho rằng do cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ, còn khá nhiều điều bất hợp lý nên chưa phát huy hết trí tuệ của các nhà khoa học trẻ.
PGS Phùng Hồ Hải – Đại học Essen (Đức):
Phải tạo ra sức ép khoa học
Trong vòng hơn 20 năm đổi mới, kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta đã có nhiều tiến bộ, duy chỉ có khoa học kỹ thuật cũng như giáo dục là hết sức trì trệ. Theo tôi, cái mà chúng ta, các nhà khoa học thiếu chính là “sức ép khoa học”. Nếu nhìn vào hàng ngũ các nhà quản lý khoa học hiện nay thì có thể thấy rằng, hầu hết họ đều từng là nhà khoa học. Vì vậy, nếu đổ lỗi cho cơ chế hay do quản lý thì cũng chính là lỗi chúng ta, các nhà khoa học!
So với các nhà khoa học Đức, con đường của một nhà khoa học Việt Nam có vẻ nhẹ nhàng hơn nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học, việc đầu tiên là phải xin được vào một cơ sở khoa học hay đào tạo. Đấy gần như là điều kiện tiên quyết, để tiếp tục làm khoa học. Chỉ với biên chế trong tay, các sinh viên mới ra trường mới có điều kiện xin học bổng Nhà nước đi học tiếp. Khi đã trở thành một công chức khoa học, thì sớm hay muộn, anh cũng trở thành nhà khoa học! Công chức khoa học của Việt Nam được chọn thông qua một kỳ thi, chứ không phải thông qua quá trình nghiên cứu.
Trong khi đó, để trở thành một nhà khoa học ở Đức là cả một chặng đường gian nan, đòi hỏi không chỉ khả năng mà cả tính kiên trì, lòng yêu khoa học của các ứng viên. Rất nhiều ứng viên sẽ rơi rụng trên con đường gian nan đó, chỉ những người ưu tú nhất mới được chọn để vào biên chế khoa học. Chính sức ép khoa học đó đã tạo nên một không khí làm việc hết sức tích cực tại các cơ sở nghiên cứu của Đức. Điều mà ở Việt Nam không có!
Không chỉ ở Đức mà ở tất cả các nước có nền khoa học tiên tiến, không đâu có chuyện các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đã được nhận ngay vào biên chế dài hạn tại các cơ sở nghiên cứu hay các trường đại học như ở Việt Nam. Chính kẽ hở này đã nảy sinh ra tình trạng “cha truyền con nối” trong khoa học Việt Nam. Cha làm toán thì con cũng làm toán, cha là nhà vật lý thì con cũng là nhà vật lý... Tại các trường đại học chúng ta, việc con thế chỗ sau khi cha-mẹ về hưu đang là trào lưu. Nghe đâu “một nửa trường Đại học Bách khoa là con em của nửa còn lại”. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử học thuật Việt Nam cũng như trên thế giới.
GS Nguyễn Văn Tuấn –Viện Nghiên cứu y khoa Garvan (Úc):
Cần có chương trình hậu tiến sĩ
Muốn nuôi dưỡng tài năng cần phải có chương trình postdoc – hậu tiến sĩ, một chương trình còn khá xa lạ với Việt Nam. Ở nước ngoài, khi đào tạo tiến sĩ, phải đảm bảo sau khi xong chương trình tiến sĩ, cần phải tạo cơ hội cho những tiến sĩ này có cơ hội làm postdoc một thời gian để “trưởng thành”, sau đó thì mới “xuống núi” được.
Ở Việt Nam, tôi chẳng thấy ai có postdoc cả. Đào tạo tiến sĩ, nhưng chẳng cần biết sau khi ra trường họ làm cái gì cả! Thật ra, theo tôi ngay cả thầy ở Việt Nam cũng chẳng biết postdoc là cái gì?! Đối với nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài, học xong là đa số bị đuổi hoặc phải về nước, không còn thời gian để làm postdoc. Chính vì vậy, khi về nước những người này không khác gì mới ra trường, chưa biết gì thực tế và hệ quả là chúng ta chỉ có dạng tiến sĩ thứ cấp. Đó là một sự thật phũ phàng...
Chương trình postdoc ở nước ngoài là một sự cạnh tranh khốc liệt. Có những trường lớn và có tiếng, một suất postdoc nhưng có cả ngàn người đăng ký. Muốn kiếm được một suất postdoc thì trong khi học tiến sĩ họ phải có công trình KH công bố quốc tế. Công bố quốc tế là việc rất quan trọng để tạo một sự nghiệp cho nghiên cứu sinh.
GS Trương Nguyên Trân – Đại học Bách khoa Paris (Pháp):
Thuyết phục nhân tài ở nước ngoài về phục vụ đất nước
Xây dựng cơ chế chính sách để phát huy tài năng, trí tuệ cho các nhà khoa học trẻ là một việc làm cực kỳ khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Có 2 vấn đề quan trọng cần được giải quyết là lương bổng và điều kiện làm việc. Cả 2 vấn đề này hiện ở Việt Nam đều đã quá lạc hậu. Vì thế trong vòng 5 năm tới, chúng ta khó có thể thay đổi một cách nhanh chóng với nguồn nhân lực trong nước.
Theo tôi, vấn đề khẩn cấp hiện nay là làm sao thuyết phục được một số nhân tài Việt Nam được đào tạo bài bản ở nước ngoài, và đã có nhiều kinh nghiệm trong công việc, trở lại Việt Nam phục vụ đất nước. Với chế độ lương bổng và điều kiện làm việc như hiện nay, rất khó để làm được việc đó, nhất là đối với người giỏi. Để thuyết phục được những người này, Chính phủ nên lập ra những viện nhỏ để bảo trợ cho các tài năng này trong những năm đầu họ trở lại phục vụ đất nước. Phải làm sao để những người này dành phần lớn thời gian của họ vào việc tập trung nghiên cứu và giảng dạy.
Đây là một việc rất cấp bách, không thể trì hoãn được. Chúng ta phải tự hỏi, tại sao một số lớn sinh viên Việt Nam có dịp học ở ngoại quốc thì họ rất thành công, và nếu ở Việt Nam thì tương lai của họ chẳng đi đến đâu? Sự chăm chỉ làm việc, sự cố gắng trong công việc nằm trong truyền thống con người Việt Nam, trách nhiệm của Chính phủ là tạo điều kiện cho lớp trẻ Việt Nam để họ tiến lên.
TRẦN LƯU (ghi)