Di chứng nặng nề
Thời điểm cuối năm, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu, phần lớn rất nặng như hôn mê, tổn thương não, thậm chí có trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, mới đây, trung tâm đã tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân nam có độ tuổi từ 46-72 bị ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol. Khai thác bệnh sử cho thấy, trước đó các bệnh nhân này đã uống rất nhiều rượu không rõ nguồn gốc. Cả 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, chụp phim cắt lớp não cho thấy đã tổn thương hoại tử, chảy máu và phù nề nặng lan tỏa trên não. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu, điều trị tích cực theo phác đồ, nhưng 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân nguy kịch tiên lượng xấu và gia đình đang làm thủ tục xin về nhà lo liệu, bệnh nhân còn lại bị ngộ độc nhẹ hơn nhưng cũng gặp các di chứng với não và mù.
Tương tự, dù đã trải qua nhiều ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, nhưng bệnh nhân N.T. (32 tuổi, ở Hòa Bình) vẫn trong tình trạng rất nguy kịch. Người nhà bệnh nhân T. cho biết, trong bữa tiệc liên hoan cuối năm, anh cùng với một nhóm bạn trong công ty đã uống hết hơn 10 lít rượu khác nhau. Sau bữa nhậu đó, vừa về tới nhà, anh T. thấy mệt, nôn nhiều và lịm đi không biết gì. Anh T. được người thân đưa tới bệnh viện tỉnh cấp cứu, sau đó được chuyển lên Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, rối loạn nhịp tim.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, rượu có chứa methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa. “Khi đến nhập viện, hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu đã tổn thương não, ở trong tình trạng nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo và cho biết thêm, nếu có cứu sống được cũng để lại những di chứng ở não và mắt rất nặng nề.
Nhiều hiểm họa
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, qua các khảo sát, nghiên cứu cho thấy, nước ta đứng thứ 3 khu vực châu Á về tiêu thụ rượu, bia. Đây được xem là những đồ uống thường không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay, đặc biệt dịp lễ, tết. Trong những dịp này, lượng rượu, bia được tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Theo TS-BS Đoàn Tiến Mỹ, Trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM), thành phần chính của rượu là ethanol được chiết xuất, chưng cất từ ngũ cốc. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất lại chiết xuất, chưng cất rượu từ gỗ, do đó thành phần chính sẽ là methanol. Khi methanol vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa cho ra acid formic rất độc hại, gây ra tổn thương cho mắt và não. Khi uống quá nhiều rượu, bia có chứa methanol có thể gây ngộ độc làm xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, co giật, mê sảng, có thể hôn mê và tử vong.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, lạm dụng quá nhiều rượu, bia sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các cơ quan trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng như tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần… Đặc biệt, gan là cơ quan bị ảnh hưởng rất nhiều nếu uống quá nhiều rượu, bia. TS-BS Đoàn Tiến Mỹ cho biết, gan như là nhà máy lọc lớn nhất cơ thể, khoảng 90%-95% rượu, bia khi vào cơ thể được giữ lại gan để xử lý. Ethanol trong rượu sẽ được gan xử lý, chuyển thành nước và carbon dioxide không độc. Một lá gan khỏe mạnh nhất cũng chỉ có thể xử lý được khoảng 1-2 đơn vị rượu mỗi ngày. Do đó, khi uống rượu, bia thường xuyên, gan không kịp chuyển hóa hết ethanol, lâu ngày dẫn đến xơ gan, tổn thương khoảng cửa của gan, hóa xơ sẹo, giảm lượng máu đến gan, suy chức năng gan.
Các nghiên cứu y khoa cũng cho thấy, ngay sau khi rượu, bia được hấp thụ vào máu, cơ thể bắt đầu tiến hành hoạt động đào thải rượu, bia ra ngoài. Một phần nhỏ được thải qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, 90% còn lại sẽ được chuyển hóa ở gan. Tuy nhiên, gan chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định. Trong khi vào dịp lễ, tết, lượng rượu, bia hấp thụ nhiều hơn bình thường khiến gan không kịp sản xuất đủ men để chuyển hóa cồn. Lúc này, các độc chất được tạo ra từ rượu, bia sẽ bị ứ lại trong cơ thể, trực tiếp phá hủy tế bào gan
và gây độc cho nhiều cơ quan nội tạng, khiến cơ thể bị mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, thậm chí có thể nhập viện do men gan cao, viêm gan cấp, suy gan.
Tuân thủ nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia Các cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn có nguồn gốc không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà do một số người kinh doanh rượu phi pháp đã mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu “dỏm”, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc. Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, rõ ràng và không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Cùng với đó, cần tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đặc biệt không sử dụng rượu, bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông. Một đơn vị cồn tương đương 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330ml (5%); một cốc bia hơi 330ml; một ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30ml (40%). |