Loạn thần, ung thư
Sau nửa tháng điều trị viêm gan tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng bụng chướng, vàng da của ông Lê Huy H. (65 tuổi, ngụ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) vẫn chưa được cải thiện. Mệt mỏi vì sức khỏe ngày càng kém đi, ông H. than thở: “Từ ngày nghỉ hưu, ngày nào tôi cũng phải vài chén rượu, cốc bia nhưng không nghĩ lại đổ bệnh nhanh thế, lại bị viêm gan B đang chuyển sang giai đoạn xơ gan”.
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân mắc các bệnh về gan, mật do lạm dụng rượu bia như ông H. đang gia tăng khá nhanh, thậm chí có nhiều người mới 26-27 tuổi nhưng gan đã bị xơ…
Còn tại BV Nhân dân 115 (TPHCM), bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV, cho biết thường xuyên tiếp nhận cấp cứu nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu trong tình trạng rất nặng dẫn tới hôn mê, nhiễm độc máu, ngừng tim, cơ hội sống rất mong manh.
“Nhiều trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol thường khó qua khỏi, nếu cứu sống được cũng để lại những di chứng ở não”, bác sĩ Sóng chia sẻ.
Ngoài ra, nếu thường xuyên uống nhiều rượu có thể khiến tế bào trong não teo đi, dẫn tới sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ. Mặt khác, Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xếp rượu bia vào nhóm chất gây ung thư rất cao với nhiều loại bệnh ung thư khác nhau, từ ung thư gan, ung thư khoang miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản tới ung thư đại trực tràng, mật và thậm chí là cả ung thư vú.
Theo GS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 168.000 người mắc mới ung thư, trong đó ung thư gan do rượu bia là phổ biến với hơn 25.000 ca mắc mới và tử vong.
Và hơn 200 loại bệnh khác
Theo Bộ Y tế, rượu bia được xếp vào hàng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra hơn 200 loại bệnh khác nhau. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, có tới hơn 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật như ung thư, xơ gan, tim mạch, viêm gan, tâm thần, viêm loét dạ dày, ngộ độc... do hậu quả của rượu bia gây ra.
Trong khi đó, về góc độ xã hội, lạm dụng rượu bia dẫn tới mất kiểm soát hành vi và là nguyên nhân dẫn đến mất trật tự xã hội, đặc biệt là một trong những nguyên nhân chính khiến mỗi năm có khoảng gần 5.000 người thiệt mạng do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cảnh báo rượu bia gây ra nguy cơ mắc hàng loạt bệnh cấp tính và mãn tính.Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, rượu bia khi vào cơ thể chỉ 2%-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, còn lại hấp thu vào gan, thận và tác động tới hệ thần kinh. Do vậy, đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam rất cao khi một người trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn/năm. Nguy hiểm hơn, nhiều người khi sử dụng đồ uống có cồn vẫn nhầm lẫn cho rằng uống bia ít nguy hại hơn uống rượu.
Tuy nhiên, thực tế những tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống.
Các bằng chứng khoa học cho thấy, uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định. Do đó, để ngăn ngừa những nguy hại về sức khỏe do rượu bia gây ra, nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo, lý tưởng nhất là không nên uống rượu bia.
Nếu uống, mỗi người nên ở mức không quá 2 đơn vị cồn/ngày (một đơn vị cồn tương đương với một cốc bia hơi 330ml) đối với nam dưới 60 tuổi và mỗi tuần nên ngừng uống 1-2 ngày để cơ thể nghỉ ngơi và gan có cơ hội tái tạo.
Bác sĩ ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam: Không có cơ sở xử phạt vi phạm nồng độ cồn vì ăn trái cây Trước thông tin nếu cứ đo thấy nồng độ cồn trong hơi thở người điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm thì không cần uống rượu mà chỉ ăn trái cây cũng có thể bị xử phạt. Lo lắng này hoàn toàn không có cơ sở, bởi hàm lượng thức ăn tự nhiên, trái cây tự nhiên khó thể sinh ra cồn, hơn nữa thực phẩm là acid hữu cơ nên không thể nào thổi qua hơi thở do quá trình hấp thu của cơ thể rất chậm. Một số thuốc như sirô ho, người uống theo liều lượng chỉ định của bác sĩ rất ít, không thể uống một lần cả chai để sinh ra cồn được. Việc uống các sirô có cồn, trái cây có chứa cồn cũng là hấp thu một lượng rượu nhất định, điều này đồng nghĩa với việc nồng độ rượu trong máu và hơi thở ở mức độ nào đó, nhưng do lượng rượu này là rất thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết khá nhanh. Đến thời điểm này, tôi chưa thấy ai bị xử phạt chỉ vì ăn trái cây có chứa cồn. |
Lầm tưởng chết người do giải độc bia rượu bằng “mẹo” Để đối phó với những buổi tiệc tùng có nhiều rượu bia, “cánh mày râu” thường truyền miệng nhau một số bí quyết để uống nhiều mà không say như: uống dầu ăn, uống Aspirin hoặc Paracetamol trước khi uống rượu. Th.S - bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Nội tiêu hóa BV Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đây hoàn toàn là quan niệm sai lầm, không những không hề có tác dụng chống say rượu bia mà còn làm hại sức khỏe. Paracetamol là một loại thuốc có độc tính trên gan, do đó nếu trước khi uống rượu bia mà uống thêm Paracetamol thì sẽ làm cho gan dễ tổn thương và ngộ độc hơn. Aspirin dù không gây tổn thương trực tiếp đến gan nhưng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng loét dạ dày tá tràng, thậm chí là gây ra xuất huyết dạ dày tá tràng. Bên cạnh đó, việc uống dầu ăn cũng không có tác dụng làm tăng tửu lượng, ngược lại còn gây ra tình trạng khó tiêu và rối loạn tiêu hóa. Dầu ăn làm thức ăn di chuyển xuống ruột chậm lại và nằm ở dạ dày, dẫn đến ngộ nhận rằng người uống không say. Tuy nhiên, khi tất cả lượng thức ăn này đi xuống ruột thì một lượng lớn rượu bia sẽ được hấp thu, dẫn đến say rượu ngay, thậm chí có thể gây ra ngộ độc. Còn theo bác sĩ Lê Thị Cẩm Thơ, BV Nhân dân 115, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm được giới thiệu là “thuốc giải rượu bia”. Thực chất đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, acid glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hóa rượu. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh những “thuốc” này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu bia, hoặc làm mất trạng thái say xỉn. Nhiều “thuốc giải rượu bia” có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, thành phần không kiểm định, nên những thành phần của thuốc có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng. Ngoài ra, vì lầm tưởng vào “công dụng” của “thuốc giải rượu bia”, nhiều người cứ vô tư uống rượu mà không hề biết rằng thực sự chúng không hề bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu bia, cuối cùng hậu quả vẫn xảy ra. “Khi uống thuốc giải rượu bia, thực phẩm chức năng này tham gia vào quá trình chuyển hóa rượu bia nên cả rượu bia và thuốc cùng lúc được chuyển hóa qua gan, làm tăng gánh nặng cho gan, càng làm tăng nguy cơ gây suy gan cấp. Càng uống nhiều rượu bia thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có thần dược nào giúp uống rượu mà không say. Để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất không dùng rượu bia, còn nếu dùng thì phải có kiểm soát và uống trong giới hạn cho phép”, bác sĩ Cẩm Thơ khuyến cáo. |