Thói quen nguy hiểm
Đang học lớp 9 tại một trường THCS ở Hà Nội, như một thói quen, sau mỗi buổi đi học về, em Trần Minh T. lại được cha mẹ mua cho chai nước ngọt có gas hoặc ly trà sữa, lon nước tăng lực. Chị Hương, mẹ của em T., nói rằng, dẫu biết trẻ em sử dụng nhiều đồ uống ngọt sẽ không tốt cho sức khỏe, nhưng vì thương con học tập căng thẳng và nhiều bạn bè của con cũng thường xuyên được uống nước ngọt nên chị không đành lòng từ chối yêu cầu của con. Trong khi đó, em Lê Hùng M. (15 tuổi, học sinh Trường THCS Thanh Xuân Trung, Hà Nội) kể: “Ở lớp em, bạn nào cũng thích uống trà sữa vì có nhiều vị khác nhau. Hơn nữa, ở nhiều buổi liên hoan lớp, hay trong lớp có cuộc vui nào, thì chúng em cũng được cô giáo và các bác ở ban phụ huynh thưởng cho trà sữa, nước ngọt có gas nên rất thích”.
Theo Bộ Y tế, đồ uống có đường có nhiều loại như: nước ngọt có gas, không có gas, cà phê hòa tan, trà hòa tan, nước có pha chế hương liệu, sữa pha chế hương liệu, nước uống tăng lực… Nếu năm 2002, trung bình mỗi người dân ở nước ta chỉ dùng 6,04 lít đồ uống có đường thì năm 2021, con số này đã tăng lên 55,78 lít. Bên cạnh đó, hiện trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa là 50g đường/ngày, và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, các loại nước ngọt chứa rất nhiều đường khiến cơ thể hấp thu nhanh với nhiều năng lượng không cần thiết. Ngoài ra, một số đồ uống có đường còn chứa chất cafein và một số chất điện giải.
Khi lượng đường trong máu tăng lên sẽ bắt tuyến tụy phải tiết ra insulin để điều chỉnh lượng đường máu. Thời gian lâu sẽ gây ảnh hưởng đến máu, huyết áp; tiếp đó ảnh hưởng đến thần kinh, não bộ. Và khi cơ thể phải điều chỉnh bằng cách đào thải đường qua nước tiểu, có nghĩa là các vi chất cũng bị đào thải khỏi cơ thể. Nguy hiểm hơn, nếu lạm dụng nước ngọt, cơ thể phải đối mặt với các nguy cơ về chuyển hóa, đặc biệt là chuyển hóa đường. “Khá nhiều bạn trẻ thường xuyên sử dụng nước ngọt, kết hợp với chế độ dinh dưỡng, vận động không lành mạnh dẫn đến thừa cân, béo phì. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như đái tháo đường, tiền đái tháo đường và các bệnh lý chuyển hóa trong gan”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng cảnh báo.
Nhiều hệ lụy
Thực tế, việc lạm dụng đồ uống có đường không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng trầm trọng các bệnh không lây nhiễm, chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hàng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số ca tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường.
Trẻ em từ 2-11 tuổi hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g/ngày, và giới hạn không quá 235ml đồ uống có đường/tuần. Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường
PGS-TS TRƯƠNG TUYẾT MAI, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia
Cùng với đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nước ta đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi (từ 2,6% vào năm 2002 lên 19% vào năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% vào năm 2002 lên 18,3% vào năm 2016). Đặc biệt, tỷ lệ thừa cân,
béo phì ở khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, ở nông thôn là 18,3% và ở miền núi là 6,9%. “Mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh là yếu tố chủ yếu làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì - nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh tim; trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường type 2... Thực trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường để góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, bảo vệ sức khỏe trẻ em”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Lesley Miller, quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, cho biết, trẻ em bị thừa cân, béo phì có khả năng tiếp tục bị thừa cân, béo phì khi trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Nhiều báo cáo, nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ đồ uống có đường góp phần làm tăng cân ở cả người lớn và trẻ em. Do vậy, biện pháp tăng thuế đồ uống có đường giúp mang lại lợi ích từ nhiều phía, không chỉ về sức khỏe mà còn giúp tăng nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, Việt Nam cũng cần nâng cao nhận thức cho trẻ nhỏ, để các em lựa chọn các sản phẩm lành mạnh khi được biết thông tin về dinh dưỡng của sản phẩm.
Để tránh những hệ lụy nguy hại cho sức khỏe, nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc giảm đồ uống có đường có thể góp phần làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu, mỡ máu và tăng huyết áp. Nếu các bạn trẻ thích uống nước ngọt thì nên rèn thói quen xem nhãn sản phẩm, đối với những loại bao bì không ghi nhãn thì nên ít sử dụng. Người trẻ cũng nên có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, theo dõi cân nặng vì các bệnh về chuyển hóa đều có liên quan đến cân nặng.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày thì sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.