Tác giả Trần Hữu Ngư bày tỏ sự tiếc nuối khi thể loại nhạc Bolero vào thời điểm đó ít được biểu diễn trước công chúng.
Ông viết trong tản văn được dùng làm tên cuốn sách: “Suốt mấy mươi năm qua, thị trường ca nhạc vắng bóng những bài hát mang âm điệu boléro... Cái “chách chách... chách bùm chách” nghe nó đơn điệu và hiền từ quá chăng?”. Ông Trần Hữu Ngư viết là Boléro chứ không phải là Bolero như cách gọi hiện nay và mong ước: “Chắc một ngày không xa boléro (những bài hát cũ) sẽ được các ca sĩ hát lại. Mong lắm thay!... “Chách chách... chách bùm chách”... đã xa rồi, tội tình chi hỡi boléro!”.
Niềm mong ước của một “tín đồ Bolero” như ông Trần Hữu Ngư đã trở thành hiện thực khi trong vài năm trở lại đây các chương trình Bolero tràn ngập các sóng truyền hình, các tụ điểm ca nhạc. Riêng Công ty truyền thông Khang hợp tác với Đài Truyền hình Vĩnh Long đã sản xuất nào là Solo cùng Bolero, Tình Bolero hoan ca, Tình Bolero phiên bản nghệ sĩ… cho đến Kịch cùng Bolero. Bolero đang là “kho tàng” có rất “nhiều vàng” với lượng người xem rất lớn để các công ty truyền thông và các nhà đài nhảy vào khai thác.
Mới đây, Công ty truyền thông Khang họp báo về chương trình Solo cùng Bolero mùa thứ 4 liên tiếp. Theo đó, số lượng thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi là 25.000 người nhưng chỉ chọn được 24 người vào vòng bán kết. Tỷ lệ chọi ở cuộc thi này cao hơn hẳn các cuộc tuyển sinh đại học, cao đẳng diễn ra hàng năm ở nước ta. Nhìn vào Solo cùng Bolero, ước gì ngành sư phạm cũng tuyển sinh có tỷ lệ chọi cao như thế thì đất nước không lo thiếu thầy giỏi.
NSƯT Vũ Thành Vinh, Tổng điều hành Công ty truyền thông Khang, khẳng định: “Bolero đang ở trên đỉnh” và lý giải: “Theo quy luật thông thường của một gameshow giải trí sẽ giảm nhiệt từ mùa thứ 3, nhưng Solo cùng Bolero đã đi đến mùa thứ 4 và đang ở đỉnh cao. Bản chất của Bolero là tiếng lòng, mà những gì là tiếng lòng thì sẽ ở lại rất lâu”.
Theo dõi các cuộc thi hát Bolero trên truyền hình, thấy rằng số lượng ca khúc được thể hiện cũng chỉ có bấy nhiêu bài. Món ngon đến mấy ăn hoài cũng ngán, bài hát hay cỡ nào nghe hoài cũng nhàm. Trong năm 2016, truyền thông Khang đã xin phép phổ biến thêm 20 ca khúc sáng tác trước 1975 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào lòng người và được hát rộng rãi. “Điều này không phải vì các ca khúc không đủ hay mà vì khán giả vẫn yêu thích những ca khúc quen thuộc, gần gũi mà họ có thể hát theo” - ông Vũ Thành Vinh, cho biết.
Các chương trình gameshow Bolero trên truyền hình toàn ăn bám vào dĩ vãng bởi những ca khúc quá quen thuộc với người nghe? Ông Vũ Thành Vinh khẳng định: “Năm 2014 khi làm gameshow Solo cùng Bolero mùa đầu tiên, chúng tôi đã tổ chức cuộc thi sáng tác nhạc Bolero và đã thu hút gần 1.000 ca khúc dự thi. Dù sau đó chương trình đã mời các ca sĩ nổi tiếng thể hiện các ca khúc này nhưng đến nay vẫn không có 1 ca khúc nào đọng lại trong lòng khán giả”.
Các nhạc phẩm hay nghệ sĩ “tồn tại hay không tồn tại” đều do khán giả quyết định. Năm 2016, danh ca Lệ Thu làm giám khảo một cuộc thi hát Bolero khiến nhà thơ Phạm Chu Sa xem thấy phải thốt lên kinh ngạc, bởi Lệ Thu chưa bao giờ hát Bolero nay lại đi chấm giải Bolero thì… kỳ lạ thật. Hay như ca sĩ Ánh Tuyết chuyên hát nhạc Văn Cao cũng lên truyền hình hát Bolero…
Bản thân Bolero và những nghệ sĩ biểu diễn thể loại âm nhạc này đều có lý lẽ để tồn tại giữa sự yêu mến của công chúng. Do vậy, khi một số nghệ sĩ lên tiếng phản bác, kỳ thị Bolero lập tức những phát ngôn của họ bị dư luận phản ứng dữ dội. Nói như nhạc sĩ Hàn Châu, trong 7 nốt nhạc không có nốt nào là “nhạc sến”, chỉ có bài hát đi vào lòng người hay không mà thôi và Bolero đã đi vào lòng người.
Tuy nhiên, cái gì cực đoan đều dễ trở nên thái quá. Việc Bolero được khai thác quá mức như hiện nay trên các gameshow truyền hình cũng là một biểu hiện của sự cực đoan. Đến mức, nhiều bài hát không thuộc giai điệu Bolero cũng được cho “vào khuôn” Bolero để hát một cách khiên cưỡng. Theo một số nhà nghiên cứu, hiện có khoảng 50.000 bài Bolero nhưng để người nghe hát theo, thuộc lòng chỉ có một số bài đang được trình diễn đến nhàm chán trên sóng truyền hình. Phải chăng danh xưng Bolero đang bị lạm dụng trong nhiều chương trình hiện nay. Nếu thật vậy thì “tội nghiệp Bolero” quá dù là bị “kỳ thị” hay bị “lợi dụng”.