Nhậu từ A tới Z
Tối chủ nhật, sau khi cà kê chán ở đám cưới một người bạn, Phạm Văn Hoàng, 29 tuổi, kinh doanh tự do tại quận Tân Phú cùng 3 người tiếp tục kéo nhau ra quán nhậu vỉa hè trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú). 30 chai bia mà 4 người “xử” ở đám cưới chưa thấm vào đâu nên Hoàng tiếp tục gọi thêm 1 thùng bia cùng vài dĩa mồi. Hoàng lớn tiếng ra điều kiện “không say không về”.
Vài phút sau, một thanh niên phóng xe tới, Hoàng gọi đem thêm chén dĩa và ly, bật bia rót đầy ứ hự rồi tiếp tục ra điều kiện “vào ba ra bảy” (nghĩa là vào nhập tiệc uống 3 ly coi như ra mắt, rút về sớm thì phải uống 7 ly coi như rượu phạt).
Khi thanh niên này từ chối vì mai phải đi làm sớm, Hoàng trách móc: “Thằng bạn làm cán bộ nên khinh anh em sao?”. Hoàng vừa dứt lời, nhóm bạn đồng tình ép thanh niên này cạn đủ 3 ly coi như hình phạt vì “lỡ từ chối rượu bạn”. Cứ như vậy, 5 người gần 4 thùng bia, hơn 11 giờ khuya mới giải tán, ai nấy đều khật khưỡng lên xe phóng như bay.
Cách ép nhau uống bia, rượu như nhóm Hoàng không hiếm, nhan nhản ở các quán nhậu; trong những buổi tiệc tùng lớn, nhỏ; từ tổng kết ở cơ quan đến đầy tháng đứa cháu trong xóm trọ; hay đơn giản chỉ là bỗng buồn, bỗng vui cũng rủ nhau đi nhậu. Những lời khích tướng kiểu không tôn trọng cấp trên, không nể mặt đồng nghiệp, sợ bồ, khinh bạn… cốt để bạn nhậu phải uống.
Mọi chiêu trò đều hướng đến mục đích mình xuống chai, bạn cũng phải xuống chai. Sau những lời khích tướng, tiếng “zô - cạn” là những vỏ bia được chồng chất dưới chân khách nhậu. “Tấm lòng” của bạn nhậu được kiểm chứng bằng việc đếm vỏ lon, vỏ chai.
“Bạn nghe câu đừng say khi bạn còn tỉnh chưa? Mình say tụi nó cũng phải gục, mắc công để đứa tỉnh, đứa say rồi lại đem nhau ra làm trò cười cho thiên hạ, nhục lắm!”, Nguyễn Hữu Bằng (sinh viên Trường Cao đẳng GTVT) nói.
Tác hại do rượu, bia gây ra đã nhãn tiền, ai cũng biết nhưng khi mà tình cảm bạn bè thể hiện qua từng chai bia, từng ly rượu; khi mà sự khinh - trọng được đong đếm bởi những ngụm cạn, ngụm vơi và khi sự từ chối lép vế bởi những lời đánh giá đậm chất cồn thì những lời cảnh báo chỉ còn là “gió thoảng qua tai” và hậu quả sẽ rất nặng nề.
Những cái chết không được báo trước
20 giờ 20 phút, nghe anh Hai gọi, má bị người ta say rượu tông, chấn thương sọ não nặng lắm, chị Tường Vy (27 tuổi, quận 8, TPHCM) mất hồn, ngã khuỵu. “Tôi tức tốc đi xe về bệnh viện tận Gia Lai nơi má đang nằm. Khi tôi mở chiếc khăn trên mặt má ra, tôi đã bất tỉnh. Những vết thương khủng khiếp đó như những vết cắt trong lòng mình mà không bao giờ tôi quên được. Má tôi ở bệnh viện 4 ngày thì bị trả về nhà lo hậu sự. Má tôi ra đi khi chỉ mới 53 tuổi thôi”, chị Vy kể.
Má chị Vy đi bộ cách nhà chỉ 3km, ngay sát mép bên phải đường, một thanh niên say rượu điều khiển xe máy từ trong nhà bên kia đường lao xe ra, đâm ngang, khiến bà ngã ra đường bất tỉnh. Người gây tai nạn 18 tuổi, vừa sắm được chiếc xe máy và nhậu nhẹt “rửa xe” đến say xỉn.
“Vậy mà, người đụng chết má tôi khi lái xe say xỉn chỉ bị 2 năm tù giam, mức bồi thường hơn 30 triệu đồng mà nhà tôi cũng không cần. Nhiêu đó vào thời điểm đó là hết khung rồi, có muốn trừng phạt nặng hơn cũng không được…”, chị Vy nhớ lại.
Những vụ tai nạn liên quan đến rượu bia để lại hậu quả quá thương tâm. Gần đây nhất là vào đầu tháng 5, tại khu vực hầm Kim Liên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, một ô tô Mercedes từ phía sau lao tới đâm mạnh, khiến 2 phụ nữ ngã ra đường bất tỉnh và tử vong.
Tài xế được xác định đã điều khiển ô tô sau khi uống rượu bia. Một trong 2 nạn nhân trong vụ tai nạn có 2 con nhỏ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Không ít vụ tai nạn thương tâm do bia rượu cướp đi những người cha, người mẹ là lao động trụ cột ở nhiều gia đình.
Trong một báo cáo, WHO (Tổ chức Sức khỏe thế giới) đánh giá, mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất/năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore. Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia.
Chỉ cần uống 2 lon bia hoặc 2 ly rượu vang và lái xe, nguy cơ gây tai nạn tăng gấp 40 lần. Theo Khoản 4 điều 260 Bộ luật Hình sự quy định về vi phạm tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả: làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên nếu không được ngăn chặn kịp thời, bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Rõ ràng, luật xử còn quá nhẹ. Nhiều người cho rằng, phải xử tội uống rượu, bia khi lái xe gây tai nạn chết người ở khung hình phạt cao hơn nữa, mới mong ngăn được những cái chết tức tưởi.
Chị Trần Hà My, điều dưỡng viên Bệnh viện Nhân dân Gia Định: Cần nhận thức rõ tác hại của rượu biaTôi từng chứng kiến không ít trường hợp cấp cứu liên quan tới bia rượu: đâm chém nhau vì mâu thuẫn trên bàn nhậu; tai nạn giao thông do say xỉn... Đã có những ca để lại hậu quả nặng nề: tử vong, gãy chân tay hoặc thương tật vĩnh viễn. Nhiều ca chấn thương sọ não, thậm chí sống thực vật, đau đớn cho bản thân, cho những người vô tội, tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian, sự đau khổ lo lắng của người thân. Còn có các trường hợp nghiện rượu gây nên tình trạng suy gan, viêm gan, sảng rượu… Nhiều người trẻ bị viêm tụy cấp do thường xuyên uống bia nhậu nhẹt. Tôi nghĩ, điều đầu tiên cần làm là nâng cao ý thức cho mình và người xung quanh. Cần tự nhận thức được đã uống rượu bia thì không nên lái xe để tránh gây họa cho bản thân và những người xung quanh. Sau đó, vận động những người xung quanh biết được tác hại của rượu bia để phòng và tránh hậu quả đáng tiếc. Chế tài thật mạnhLuật Giao thông đường bộ quy định cấm người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, sau đó đã có Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, việc uống rượu bia rồi lái xe vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, để hạn chế tình trạng uống rượu, bia tham gia giao thông, theo tôi, cần phải thực hiện đồng loạt nhiều chế tài. Song song với việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên, liên tục, đặc biệt trực chốt tại các khu vực tập trung nhiều quán nhậu thì cần đánh thuế thật cao mặt hàng bia, rượu, như vậy sẽ có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần tăng mức xử phạt tiền và bổ sung các mức xử phạt như tước bằng lái vĩnh viễn… Ở Nhật Bản, chỉ cần uống chất có cồn phải nghỉ ngơi đủ 4 giờ mới được lái xe, nếu vi phạm sẽ bị tước bằng lái xe. Dĩ nhiên, để làm được điều đó thì phải có thời gian, nhưng cái chính là sự quyết tâm của cơ quan chức năng. Như ở nước ta, những năm đầu bắt buộc người ngồi trên mô tô, xe máy phải đội mũ bảo hiểm, mất một thời gian người dân mới quen và đến nay, rất hiếm khi thấy người dân vi phạm quy định này. Có quy chế cấm sử dụng rượu bia trong cơ quanNếu ở các nước khác, rượu bia được sử dụng trong các bữa tiệc, trong quán bar và quy định độ tuổi được dùng thì ở Việt Nam, loại đồ uống này được sử dụng ở bất kỳ đâu, bất cứ ai cũng có thể mua và uống. Thói quen sử dụng rượu, bia bừa bãi đã dẫn đến những hệ lụy đau lòng, nhất là tai nạn giao thông trong thời gian qua. Theo tôi, đối tượng cần hạn chế đầu tiên là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Cần có quy chế cấm sử dụng rượu, bia trong các buổi liên hoan, tống kết, hội nghị, hội thảo… để làm gương, để nơi đây phải là những địa chỉ tin cậy nói không với bia, rượu dưới mọi hình thức. |