Từ năm 2020, tỉnh Bình Dương triển khai đề án xây dựng làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, hướng tới trở thành nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ, nông nghiệp, việc làm, cải thiện đời sống người dân và xây dựng thương hiệu du lịch xã cù lao ven sông Đồng Nai. Tỉnh cũng tập trung các giải pháp vừa phát triển nông nghiệp thông minh vừa phát triển du lịch sinh thái để biến xã Bạch Đằng trở thành một biểu tượng xanh của tỉnh.
Xanh mướt cù lao
Xã Bạch Đằng nằm cách TP Thủ Dầu Một khoảng hơn 20km, là một xã cù lao, hưởng trọn gió mát và cảnh quan bên sông Đồng Nai. Vừa qua cầu Bạch Đằng, càng đi sâu vào xã cù lao, không khí dịu mát hơn, bao trùm là màu xanh bạt ngàn của miệt vườn cây trái như bưởi, cam, chanh, đặc biệt là các khóm hoa ven đường, càng tô thêm vẻ đẹp của xã đang xây dựng nông thôn kiểu mẫu. Đây cũng là xã hiếm hoi của Bình Dương ít bị tác động bởi công nghiệp, không có nhà máy, không có ống khói và nước thải công nghiệp, nên vẫn giữ được nét hài hòa, không khí trong lành với nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Theo đề án xây dựng làng thông minh, thị xã Tân Uyên sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho xã Bạch Đằng với các giải pháp như hoàn thiện và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, kết hợp tham quan du lịch với sản xuất nông nghiệp; cải tạo hệ thống hạ tầng khung phục vụ cho nông nghiệp và du lịch; xây dựng các tiện ích phục vụ du lịch; các giải pháp về phát triển cộng đồng, nguồn nhân lực, áp dụng trong giai đoạn 2021-2025, hướng tới năm 2030 và dài hạn hơn là sau năm 2040 để tiến trình xây dựng nông thôn mới của xã không ngừng nâng cao và phát triển. Trong đó, xã Bạch Đằng đang tập trung phát triển mô hình trồng bưởi đặc sản, kết hợp các giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh để chuyển đổi nông nghiệp, phát triển du lịch trên nền tảng du lịch nông trại.
Cùng với đó, xã thực hiện nhóm giải pháp cải tạo hạ tầng phục vụ nông nghiệp và du lịch, xây dựng tiện ích phục vụ du lịch và quảng bá thông tin về sản phẩm, dịch vụ du lịch để phát triển bền vững cù lao Bạch Đằng.
Phát triển du lịch làng nghề
Xã Bạch Đằng có diện tích hơn 1.090ha, trong đó có gần 500 hộ trồng bưởi với diện tích 400ha, với 2 giống bưởi đặc sản truyền thống của địa phương được người dân giữ gìn và phát triển là bưởi đường lá cam và bưởi ổi. Nhờ triển khai xây dựng nông thôn kiểu mẫu và phát triển nông nghiệp đô thị gắn với du lịch sinh thái, không ít hộ dân trên địa bàn xã Bạch Đằng đã làm giàu từ chính cây trái quê hương.
Ông Dương Văn Minh (ấp Điều Hòa), là dân gốc ở xã cù lao, có nhiều kinh nghiệm trồng bưởi, chia sẻ: “Năm 2010, xã được chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới. Sau đó cầu Bạch Đằng đưa vào sử dụng, đã phá vỡ thế cô lập của xã cù lao, trở thành cú hích để xã phát triển nhanh hơn, nhất là du lịch sinh thái”.
Vườn bưởi đường lá cam của ông Minh rộng hơn 2.000m², đã được chuyển sang canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ từ nhiều năm nay, kết hợp xây dựng đường nội bộ, nhà nghỉ chân để phục vụ khách du lịch đến với vườn cây của gia đình.
Bên cạnh đó, gia đình ông cũng đầu tư thêm cả trăm triệu đồng cho hệ thống chiết xuất tinh dầu từ vỏ bưởi và làm rượu bưởi, không chỉ bán cho người dân trong tỉnh mà đã xuất hiện tại một số điểm bán hàng ở TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước. Từ các thông tin trên báo chí, mạng xã hội, nhiều nhóm bạn trẻ từ TPHCM và các trường đại học trong khu vực đã tìm đến đây, chụp ảnh, ăn trái cây tại vườn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho ông Minh và người dân trong xã.
Theo ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên, để xây dựng xã Bạch Đằng thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong nhiều năm qua, công tác xây dựng, chỉnh trang đường sá đã được triển khai đồng bộ, tạo sự thay đổi rõ nét để thực hiện mô hình du lịch sinh thái gắn với phát triển nông nghiệp đô thị. Hiện tất cả các tuyến đường trên địa bàn xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa, việc phát triển các vườn bưởi, cam cũng được hướng dẫn kỹ thuật kỹ lưỡng để bảo vệ thương hiệu bưởi lâu đời của xã, đồng thời thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Thị xã Tân Uyên cũng đã phát triển ứng dụng du lịch xã Bạch Đằng để khách du lịch có thể chủ động tìm hiểu các di tích lịch sử, miệt vườn nổi tiếng để ghé thăm, mua quà lưu niệm là các sản phẩm được tinh chế từ bưởi như nước hoa, rượu, tinh dầu…
Với cách làm du lịch trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, lấy người dân làm trung tâm, để người dân trực tiếp tham gia giới thiệu sản phẩm, làm hướng dẫn viên mỗi khi có du khách ghé thăm, xã cù lao Bạch Đằng đang trở thành điểm đến ấn tượng trong hành trình du lịch sinh thái khu vực Đông Nam bộ.