Những ngày qua, khi sự việc thắng cảnh nổi tiếng Suối Tiên ở tỉnh Bình Thuận chưa được cấp phép đầu tư nhưng UBND TP Phan Thiết đã để Công ty Dragon Green tổ chức thu phí tham quan còn chưa lắng thì Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi tỉnh Bình Thuận (trực thuộc Tỉnh đoàn Bình Thuận) bất ngờ thông báo sẽ thu vé tham quan vào thắng cảnh nổi tiếng Đồi Cát Bay Mũi Né, càng khiến dư luận bất bình. Ở đây không phải người dân không đồng ý việc giao thắng cảnh cho công ty, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp quản lý mà là việc các đơn vị này dường như đang xem thắng cảnh là của trời cho, chỉ việc “nhảy” vào khai thác, chẳng cần đầu tư, tôn tạo gì nhiều.
Như tại điểm du lịch Suối Tiên (thuộc xã Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết), Công ty Green Dragon đã cho xây dựng nhiều hàng quán, lắp đặt vài nhà vệ sinh, thùng rác ngay mép suối rồi bán vé tham quan. Nhiều người cho rằng, bỏ 15.000 đồng/người vào đây chỉ để lội dưới dòng suối tự nhiên dài vài trăm mét mà còn phải chịu đựng cảnh ngập lụt, rác thải bủa vây, nhà vệ sinh đặt gần suối gây ô nhiễm. Cũng như thắng cảnh Suối Tiên, ngay sau khi có thông tin sẽ thu phí tham quan vào Đồi Cát Bay Mũi Né, nhiều ý kiến lên tiếng, khu đồi cát chưa được đầu tư các dịch vụ cho du khách nên việc thu phí là không thỏa đáng.
Không chỉ những thắng cảnh trên bờ đang được khai thác theo kiểu ăn xổi, mà ngay cả bãi biển của người dân cũng đang bị những doanh nghiệp, chủ resort “biến” thành của riêng. Mới đây, chủ resort Hòn Ngọc Mũi Né ngang nhiên cho người đóng cọc, giăng dây thép gai chặn ngang bãi Sau của biển Mũi Né (TP Phan Thiết). Sau khi báo chí vào cuộc, chủ resort này đã cho tháo dỡ hàng rào. Điều đáng nói, mặc dù vi phạm nghiêm trọng nhưng chủ resort Hòn Ngọc Mũi Né chỉ bị lập biên bản nhắc nhở vì vi phạm lần đầu. Những sự việc như trên, nếu không có biện pháp răn đe xứng đáng thì liệu có tạo tiền lệ xấu cho nhưng vi phạm tương tự khác?
Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng, khám khá của người dân hiện đang ngày càng cao. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng chính sự phát triển đầy thực dụng của ngành du lịch đã tiềm ẩn nguy cơ khai thác theo lối tận thu, ăn xổi, dẫn đến việc phá hoại di sản, cảnh quan thiên nhiên. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, không toàn diện, chắc chắn sẽ đưa tới những hậu quả đáng tiếc.
Để giải quyết tình trạng này cần có sự thay đổi trong tư duy phát triển du lịch. Thay vì khai thác tài nguyên thô theo kiểu ăn xổi thì, cần tạo ra hoạt động du lịch đa dạng và gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan. Đáng tiếc là một số dự án phát triển du lịch chưa chú ý đến quá trình khảo sát để đưa ra đánh giá tổng quan có tính khoa học về các tác động có thể xảy ra với thắng cảnh, cũng như những ảnh hưởng về môi trường, hệ sinh thái của địa phương.