Làm Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bình quân mỗi năm cần giải ngân 5,6 tỷ USD

Chiều 29-10, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia nhằm phân tích, luận bàn, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội quan tâm liên quan đến dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam như: nguồn vốn, tốc độ, hiệu quả đối với nền kinh tế, xã hội…

Các vị khách mời tham dự tọa đàm
Các vị khách mời tham dự tọa đàm

Tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ dự kiến sẽ hoàn thành năm 2035 sẽ là một bước đột phá lớn không chỉ với hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, mà còn là bước tiến quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT đã nghiên cứu 18 năm. “Thời điểm này là thích hợp, cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải một cách thích hợp. Qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly trên 1.000km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000km phải là phương thức vận tải đường sắt”, Thứ trưởng Huy cho biết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy.png
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy

Thời điểm này, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực của chúng ta cơ bản không phải là thách thức lớn. Về mặt kỹ thuật, lựa chọn tốc độ 350km/giờ, công năng sử dụng là vận tải hành khách, điều này cơ bản đã kiến giải qua 10 năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các nước trên thế giới cũng như các đoàn công tác liên ngành tham quan, học tập tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển

“Như vậy đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Đây cũng thực sự là tiền đề, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói”, Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng khẳng định, ở góc độ phát triển kinh tế - xã hội, việc xây dựng tuyến đường sắt vào thời điểm này chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để triển khai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.png
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, trong lịch sử đầu tư công của đất nước ta, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến tổng chi xấp xỉ 70 tỷ USD, đây là con số khái toán ở mức tiền khả thi. Mức chi đầu tư này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian dự án thi công. Qua đánh giá sơ bộ, nếu như số tiền này được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035 thì tác động của đầu tư đường sắt cao tốc độ cao này làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP. Công trình này có tác động trực tiếp đến khoảng 7-8 lĩnh vực, lan tỏa đến phát triển đô thị, tạo công ăn việc làm… Sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng.png
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Về chuẩn bị nguồn lực tài chính cho dự án, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, cho biết dự án đường sắt tốc độ cao với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo; sẽ thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án; thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư; huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.

“Công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương của Đảng”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cũng cho rằng, nhiệm vụ ưu tiên trước mắt chắc chắn là phải tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng chủ trương đầu tư đang trình Quốc hội, sau khi được Quốc hội cho ý kiến thông qua, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần lựa chọn cả công nghệ và doanh nghiệp trong nước có năng lực tham gia vào quá trình thực hiện dự án. Còn về dự toán tài chính ngân sách, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT đưa ra phương án tài chính an toàn và hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, Bộ GTVT đã xây dựng nhu cầu nguồn vốn và phương án đầu tư. Về nhu cầu nguồn vốn, nếu chúng ta dự kiến hoàn thành cơ bản dự án như Ban Chấp hành Trung ương thông qua vào năm 2035 thì thời gian giải ngân khoảng 12 năm.

Như vậy, bình quân mỗi năm cần 5,6 tỷ USD. Nếu tính tỷ lệ so với GDP (dự kiến khởi công năm 2027) là khoảng 1% GDP. Bộ GTVT cũng đã phối hợp với Bộ KH-ĐT đánh giá khả năng cân đối vốn cũng như các đánh giá, tính toán khác, từ đó cho thấy việc cân đối nguồn vốn và huy động nguồn vốn không phải là thách thức lớn trong thời điểm hiện nay.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh.png
Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự báo nhu cầu vận tải và khi tính toán dự báo đến năm 2050, nhu cầu vận tải của chúng ta trên hành lang Bắc - Nam khoảng 18,2 triệu tấn và khoảng hơn 100 triệu lượt khách. Năng lực tuyến đường sắt hiện hữu cơ bản đáp ứng nhu cầu 18 triệu tấn hàng mỗi năm cho đến 2050; tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ vận tải hành khách và vận tải hàng hóa khi cần thiết, đáp ứng nhu cầu lưỡng dụng, phục vụ quốc phòng, an ninh, còn tuyến đường sắt hiện hữu tập trung cho vận tải hàng hóa nặng và khách du lịch

Tin cùng chuyên mục