Tại hội nghị về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều thách thức khi thu ngân sách không đạt yêu cầu (khoảng 1.140 tỷ đồng), giải ngân vốn đầu tư công đạt rất thấp.
Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 12,8% kế hoạch. Hầu hết các địa phương và sở, ngành tại hội nghị, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công rất chậm, đều ở mức dưới 30%.
Một số dự án của năm 2023 không được phép kéo dài, tập trung nhiều vào các dự án giao thông ở các địa phương và dự án thuộc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh, nhưng không giải ngân được, có một số dự án không giải ngân được đồng nào.
Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh sau khi khởi công như hồ Ta Hoét, hồ Đông Thanh hiện đang giậm chân tại chỗ khi vướng khâu giải phóng mặt bằng, khắc phục sự cố sạt trượt. Các dự án giao thông, hạ tầng khác cũng đang bị chậm so với tiến độ đặt ra.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ phải phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm giảm chỉ số PCI năm 2023 so với 2022, trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, địa phương trong việc để giảm chỉ số này, đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục có hiệu quả, đảm bảo cải thiện các chỉ số thành phần trong năm 2024.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, chỉ số PCI năm 2023 liên quan đến lĩnh vực ngành tài nguyên và môi trường giảm so với năm 2022. Cụ thể, 53% tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; 48% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính đất đai không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; 38% tỷ lệ doanh nghiệp phản ánh thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất nhiều thời gian; 71% tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai…
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra giải pháp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, kịp thời các quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch xây dựng, khung giá đền bù thu hồi đất. Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ; công khai minh bạch các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công, trên trang thông tin điện tử của Sở, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Lâm Đồng.
Còn Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần tránh việc chồng chéo, trùng lặp trong thanh tra, kiểm tra của các cấp, các ngành đối với doanh nghiệp, thay vào đó là tăng cường công tác phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo cách đánh giá PCI, địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có các tiêu chí: chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp…