Trước đó, các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có một số người dân tộc Mông tại các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk rủ khoảng 20 người dân tộc Mông ở thôn 5, xã Rô Men vào rừng sâu, khu vực núi cao, hiểm trở tại các tiểu khu 105, 107B (thuộc xã Đạ Tông), tiểu khu 206, 207, 208 (thuộc xã Rô Men) và một số khu vực khác thuộc Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (khu vực thuộc huyện Lạc Dương) để tìm kiếm, đào lấy gốc loài cây có hình dạng bên ngoài giống với cây sâm Ngọc Linh, để bán cho thương lái với giá 15 triệu đồng/kg.
Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, phân tích đặc điểm hình thái, phân tích định danh dựa trên trình tự DNA và phân tích thành phần sinh hoá.
Kết quả phân tích đặc điểm hình thái các nhà khoa học bước đầu khẳng định đây là sâm “Panax sp.” có đặc điểm đặc trưng tương đồng với sâm Langbiang (là thứ của sâm Việt Nam).
Phân tích định danh dựa trên trình tự DNA khẳng định là sâm Langbiang và có hàm lượng saponin thấp (đạt 4,87% trên mẫu khô của sâm có tuổi thọ trên 10 năm).
Sau khi có kết quả nghiên cứu, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu các địa phương tổ chức công tác tuyên truyền để người dân biết về cây sâm Panax sp. trên địa bàn có giá trị thương mại không cao và không vào rừng khai, không vi phạm quy định bảo vệ rừng.
Trước đó, ông Bùi Văn Hởi, Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, trước tình trạng người dân ồ ạt vào rừng tìm kiếm cây giống sâm Ngọc Linh, địa phương đã chỉ đạo đơn vị chủ rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, đồng thời quản lý chặt chẽ hộ khẩu, tình trạng di dân tự do vào địa bàn để thực hiện hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.