Trong khi đó, có 17 dự án được điều chỉnh với tổng vốn điều chỉnh tăng 3.765 tỷ đồng, tổng diện tích điều chỉnh tăng 1,36ha, thu hồi, chấm dứt hoạt động 5 dự án đầu tư và chấm dứt một phần hoạt động của 3 dự án đầu tư.
Bên cạnh thu hút đầu tư chưa có dấu hiệu tích cực thì công tác giải ngân vốn đầu tư công tại Lâm Đồng cũng rất thấp. Đến ngày 7-6, số vốn đã giải ngân trên địa bàn tỉnh là 974,737 tỷ đồng, đạt 12,2% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 5,8%).
Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 đã giải ngân 932,507 tỷ đồng trong tổng số 6.940,487 tỷ đồng, đạt 13,4% kế hoạch; vốn năm 2023 được phép kéo dài và thực hiện đến ngày 31-12-2024 là 1.043,479 tỷ đồng, đã giải ngân 42,23 tỷ đồng, đạt 4,0% kế hoạch.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 tại địa phương là 7.983,966 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án trọng điểm có nguồn vốn lớn nhưng triển khai chậm, như hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà), hồ chứa nước Ta Hoét (huyện Đức Trọng), đường Vành đai TP Đà Lạt…
Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt mục tiêu đến ngày 30-6 đạt tỷ lệ giải ngân từ 50% trở lên, đến ngày 31-12-2024 đạt từ 95% trở lên và đến ngày 31-1-2025 đạt 100% kế hoạch vốn bố trí.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn tất thủ tục đầu tư công. Trong đó, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở KH-ĐT kiểm tra cụ thể từng dự án chưa giải ngân, chậm tiến độ (do nguyên nhân chủ quan), đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhất là đối với trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai công tác đầu tư công năm 2024.
Trên cơ sở đó, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền kiên quyết điều chuyển, thay thế những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.