Cụ thể, các hồ chứa đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt (ngày 2-2-2023) sửa chữa gồm: Đan Kia (huyện Lạc Dương), Tà Nung (TP Đà Lạt), Ma Đanh (huyện Đơn Dương), Thôn 3-4 xã Tân Châu, La Òn, Kon Rum (huyện Di Linh), thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng. Các hồ này có nhiều vị trí mái bị thấm, sụt lún, lòng hồ bị bồi lắng…
Một góc hồ Đan Kia (huyện Lạc Dương). Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Được biết, dự án đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công (dự kiến ngày 15-6-2023 trao hợp đồng thi công). Tuy nhiên, theo kế hoạch các hồ phải được sửa chữa hoàn thành trong năm 2023.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, thời gian thi công còn lại 6 tháng (dự án phải hoàn thành trước 31-12-2023), công trình chủ yếu thi công trong mùa mưa dẫn đến áp lực tiến độ và giải ngân, phải thực hiện nhiều biện pháp thi công để hoàn thành dự án trong năm 2023.
Hiện tỉnh Lâm Đồng có 63 công trình có nguy cơ mất an toàn ở các mức độ khác nhau hiện chưa được nâng cấp sửa chữa. Trong đó, có 7 công trình bị hư hỏng nặng đã bố trí vốn, còn lại 56 công trình bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa.
Các công trình bị hư hỏng, mất an toàn chủ yếu ở các hạng mục sạt trượt mái hoặc chưa gia cố mái, thấm nứt đập chính, vai đập, bồi lắng nhiều. Các tràn xả lũ, cống lấy nước cũng bị xói, vỡ, không có thiết bị thoát nước, thiếu khả năng xả tràn…
Trước đó, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng, Bộ NNPTNT bố trí kinh phí sửa chữa nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp là 526 tỷ đồng; kinh phí nâng cao năng lực quản lý vận hành, quản lý an toàn đập hồ chứa là 98 tỷ đồng.
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 435 công trình thuỷ lợi, trong đó có 223 hồ chứa, 93 đập dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200km kênh mương đang cấp nước cho trên 46.000ha đất canh tác.