Theo đó, sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND huyện Đam Rông đã đi thực tế, kiểm tra rừng. Tổng diện tích đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm tại khu vực tiểu khu 216 là 8.100m2 ở xã Phi Liêng.
Đây là rừng nằm quy hoạch đất lâm nghiệp, trong đó diện tích bị lấn chiếm múc đất là 600m2; diện tích bị lấn chiếm trồng cây Mắc ca, mít là 5.300m2.
Ngoài ra, diện tích đất đã phá trắng, cây bị ken chết đứng và cây đã bị cưa hạ là 2.200m2.
Tổng số cây thông bị ken 203 cây, lâm sản bị thiệt hại ước tính 60,7m3.
Theo UBND huyện Đam Rông, khu vực bị phá đã kéo dài trong nhiều năm, trong đó 2 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm, 6 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm.
Hiện UBND huyện đang chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng xây dựng kế hoạch giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép, đưa vào kế hoạch trồng lại rừng theo quy định.
Trước đó, Báo SGGP Online phản ánh tại tiểu khu 216, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý (thuộc địa bàn thôn Đồng Tâm, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) có hàng trăm cây thông bị cưa hạ.
Những cây thông lớn bị cưa hạ, cắt khúc, thậm chí còn nguyên cây nằm ngổn ngang chưa được dọn đi. Tại khu vực đất rừng kể trên, nhiều hố cây được múc xuống để trồng cà phê, mắc ca, gừng… xen kẽ dưới tán thông đang úa đỏ.
Cũng tại vị trí rừng bị tàn phá, nhiều bảng rao bán đất được đóng khắp nơi. Dù khu rừng bị cưa hạ nằm ngay cạnh quốc lộ 27 và gần khu dân cư nhưng rừng thông vẫn bị cưa hạ, lấn chiếm đất sản xuất.