1. Sau chuyến công tác mở rộng thị trường cho công ty kéo dài gần 2 tháng ở TPHCM, chị Phạm Thị Thảo (quê Thái Bình) gặp rồi yêu và cưới người chồng hiện tại. Gia đình chị Thảo không ngăn cản chuyện con lấy chồng xa, chỉ e ngại con gái theo chồng vào tận miền Nam không có người thân bên cạnh đỡ đần. Còn chị Thảo thì hào hứng mang theo cả hành trang làm dâu, là những lễ nghi, kinh nghiệm quán xuyến gia đình của người vợ mà chị học được từ các mẹ, các chị để Nam tiến theo chồng.
Những ngày đầu làm dâu, nhiều thói quen ở nhà chồng khiến chị Thảo bất ngờ. Nếu ở nhà chị, bữa cơm là phải chờ đủ người mới vào mâm, còn ở nhà chồng, ai đói cứ việc ăn trước, ai về sau ăn sau. Các món ăn cũng không cần phải bày biện ra mâm, ai ăn gì tự múc vào tô, ăn xong tự rửa tô. Nhà chồng cũng không có nhu cầu ăn sáng ở nhà, ngủ dậy, mọi người sẽ tự ra ngoài ăn sáng, uống cà phê rồi đi học hoặc đi làm luôn. Thành thử, con dâu mới như chị Thảo khá nhàn nhã, không phải canh chừng dậy sớm cơm nước hay chiều đi làm về tất bật ghé chợ mua đồ lo nấu cơm như người ta, bởi… hầu hết là mọi người báo cắt cơm, ăn ở ngoài rồi mới về.
“Lúc đầu tôi tưởng mình bị cả nhà tẩy chay hoặc do cơm tôi nấu không hợp khẩu vị nên mọi người chê. Để bụng đâu được hơn một tuần tôi mới dám hỏi mẹ chồng thì bà bảo xưa giờ là vậy, mỗi người tự xử lý cái bao tử để đỡ phiền hà người khác”, chị Thảo kể. Một vài ngày đầu chị cũng thích sự tự do ấy, nhưng dần dà chị cảm thấy chông chênh. Trong miền Nam, bạn bè chị không nhiều, môi trường sống mới nên việc nhà chồng ít quây quần bên nhau khiến chị càng thêm nhớ nhà da diết.
Chị Nguyễn Thị Anh (quê Bắc Giang) lại khá “khớp” vì sự dễ thương, ngọt ngào của các thành viên nhà chồng. Tính chị Anh bộp chộp mà đặc trưng giọng nói vùng miền nên đài từ của chị cũng rất khó nhỏ nhẹ. Còn quê gốc của ba mẹ chồng chị ở miền Tây, trời phú cho mọi người giọng nói ngọt ngào nên con dâu được “hưởng ké”.
“Ba má chồng mình cứ một câu con, hai câu ba má. Có những lúc tôi làm sai, ba má rầy cũng không gay gắt mà rất nhẹ nhàng, khiến tôi không cảm thấy quá áp lực nhưng thấm rất lâu. Vài tháng làm con dâu ba má, tôi luyện được bớt nóng tính, nói năng cũng nhỏ nhẹ, chừng mực hơn”, chị Anh tâm sự.
2. Làm dâu miền Nam “dễ thở” bởi không có quá nhiều lễ nghi, phép tắc cứng nhắc như miền ngoài. Tuy nhiên, điều mà nhiều người khó thích nghi nhất khi làm dâu miền Nam là chuyện quản lý kinh tế trong gia đình.
Không phải tất cả nhưng hầu như người miền Nam khá rạch ròi trong chuyện kinh tế, ngay cả người trong gia đình hay với vợ, với chồng cũng vậy. Như phía gia đình nhà chồng chị Vũ Thị Thúy Vân (ngụ quận 10, TPHCM) có truyền thống tiền ai nấy giữ. Các khoản chi trong nhà phân chia rõ ràng, thường thì một số khoản chi cứng trong nhà như học phí của con, điện nước, tiền thuê nhà... người chồng sẽ trả, còn tiền chợ, mắm muối tương cà, ma chay hiếu hỉ... thì vợ lo. Số còn lại thì của ai nấy giữ để chi tiêu cá nhân. Ngộ nhỡ có đau bệnh hay việc gì lớn dùng đến tiền thì lúc đó mới góp lại, không có thì mượn rồi trả dần.
Bao năm nay quen vậy, nên khi mọi người thấy chồng chị Vân nộp lương cho vợ thì rất ngạc nhiên, thậm chí... bất bình. Ngay cả chuyện chị đề xuất mua nhà ở riêng cũng bị ba mẹ chồng phản đối.
“Ông bà động viên ở chung cho vui, hoặc thích ở riêng thì thuê một căn hộ ở chứ việc gì phải mua cho tốn kém, rồi lại gồng mình trả nợ. Mà người Bắc ăn vào máu cái suy nghĩ an cư lạc nghiệp nên tôi quyết mua nhà bằng được, chấp nhận hàng tháng chi tiêu dè sẻn để trả góp tiền mua nhà. Sau thấy tôi quyết tâm dữ quá, ông bà cũng ủng hộ, thi thoảng lại lấy cớ này cớ kia cho cháu hộp sữa”, chị Vân chia sẻ.
Những khác biệt sẽ nảy sinh mâu thuẫn nếu mỗi người không tự tìm cách để dung hòa. Bởi vậy mà người xưa thường nói “nhập gia tùy tục”, con gái khi về nhà chồng thì ít nhiều đều có những chuyện phải tự điều chỉnh để phù hợp với cách sống của nhà chồng. Dĩ nhiên, cũng có những khác biệt cần được tôn trọng và ủng hộ.