Khi con rể mang phận con dâu
Ở rể thời nay đã là chuyện khá bình thường nhưng với anh Trần Dũng (32 tuổi, ngụ Thủ Đức, TPHCM) đó là sự gượng ép khó chịu, kéo dài hơn 4 năm nay.
3 chữ “chui gầm chạn” của bạn đồng nghiệp như một cú tát thẳng vào lòng tự tôn của Dũng, dù đây không phải là lần đầu tiên anh nghe những lời này. Ngày trước yêu Yến, Dũng không tính trước những chuyện xa xôi mà chỉ yêu cô bằng sự chân thành. Yến vốn là con một trong gia đình có điều kiện, cô học xong thạc sĩ, đi làm lương cao. Còn Dũng là con giữa trong gia đình đông anh em, nhà nghèo, anh chỉ học tới cao đẳng và làm văn thư. Sau đám cưới, cả gia đình nhà vợ đều yêu cầu Dũng về sống cùng. Chưa đủ điều kiện mua nhà, biết ở rể sẽ phức tạp, Dũng vẫn chấp nhận về sống nhà vợ, định bụng bao giờ có tiền mua đất, mua nhà thì chuyển ra.
Cuộc sống ở nhà vợ không dễ dàng như Dũng nghĩ. Thời điểm mới cưới, công việc của Dũng chưa ổn định, so sánh với thu nhập của vợ lại càng khập khiễng. Ba mẹ vợ lại khá độc đoán, đa nghi, luôn tỏ ý đề phòng với con rể, cứ làm như Dũng lấy Yến là “chuột sa chĩnh gạo”.
Trong lúc đó, cưới xong thì vợ mang bầu nên anh phụ trách ở nhà, chăm sóc sức khỏe, lo việc bếp núc cho vợ và cả gia đình. Cứ vậy, đến khi vợ sinh, anh trở thành “bếp chính”. Chuyện chăm vợ con, giặt giũ, bếp núc, dọn nhà dọn cửa đã chiếm hết thời gian, khiến ý định học thêm, kiếm một việc ổn định của Dũng phải gác sang một bên. Mà càng như vậy, ba mẹ vợ lại chỉ thấy anh là một người chỉ biết “núp váy vợ”, không có chí tiến thủ, chỉ biết ru rú ở nhà.
“Có thời điểm, tôi muốn đi đâu cũng phải xin phép ba mẹ vợ, kẻo lỡ ở nhà có việc kêu không có mình thì tối về nghe chì chiết. Càng ngày, tôi càng thấy khó chịu. Có nhiều lúc muốn làm cái gì cũng không quyết được. Khi con lớn hơn chút, đưa vợ và con về thăm nhà nội là những ngày khá thoải mái. Ở nhà lo chuyện bếp núc không ổn, tôi nộp đơn xin việc, dù chỉ là nhân viên văn phòng nhưng vẫn phải đi làm chứ ở nhà vợ, tôi thấy mình không còn được tôn trọng”, Dũng ngán ngẩm kể.
Cùng chung số phận ở rể vì chưa có khả năng ra riêng như Dũng, anh Nguyễn Văn Đông (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) luôn bị mẹ vợ để ý từng lời ăn, nết ở vì bà rất khó tính.
Anh Đông kể, có lần đùa giỡn quá trớn với hàng xóm, không may nói to là mẹ vợ “soi” ngay, gọi vào căn dặn như học sinh cấp một rằng, không nên như thế này thế kia. Mẹ vợ lại có tính hay so sánh anh với con rể khác của bà về lương bổng, học thức. Hôm nào có việc bận về muộn mà không kịp gọi điện xin phép mẹ vợ hoặc có gân cổ lên cãi lại mấy câu thì hôm đó anh bị mắng không ra gì, kiểu sống nhờ nhà vợ mà không biết điều, hàng tháng góp được nhiêu tiền…
Biến “gầm chạn” thành thiên đường?
Ngày nay, đàn ông ở rể không còn là chuyện hiếm. Việc không ít người vẫn coi thân phận ở rể khắc nghiệt như “chui gầm chạn” xuất phát từ quan niệm ngày xưa “dâu con - rể khách”. Rõ ràng, việc làm dâu hay ở rể đôi khi không phải là chọn lựa đến từ phía hai vợ chồng, mà còn do hoàn cảnh gia đình, cha mẹ hai bên. Sự va chạm với bố mẹ vợ trong cách sống, mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con… đến một mức nào đó, khi lòng tự tôn người đàn ông bị chạm đến có thể là giọt nước tràn ly cho những mâu thuẫn hôn nhân.
Tuy nhiên, ở rể ngày nay khác nếu mỗi người có cách nhìn, cách cư xử thoáng hơn. Theo chị Trần Mỹ Hạnh (nhân viên kinh doanh, ngụ quận 5, TPHCM), nếu có mâu thuẫn từ việc ở nhờ nhà vợ thì hai vợ chồng nên ngồi lại, thống nhất mọi chuyện, từ cách chi tiêu, san sẻ việc nhà cùng nhau.
“Ở rể cũng tùy chỗ. Nhiều người ở rể mà có sao đâu, thậm chí còn được tôn trọng. Không phải chồng làm lương thấp hơn vợ là bị khi dễ. Như sếp tui, chị ấy làm trưởng phòng, còn chồng chỉ là nhân viên bình thường mà chỉ cần chồng hét một câu, vợ im ru. Chủ yếu là do người vợ có yêu thương và tôn trọng chồng hay không thôi”, chị Mỹ Hạnh thổ lộ.
Chia sẻ về chuyện đi ở rể, anh Nguyễn Hải Đăng (33 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM), kể: “Tôi thấy ở rể không có gì là to tát. Tôi lấy vợ được 6 năm và hiện nay ở rể. Ba mẹ vợ mình khá thoải mái, dễ tính nên coi mình như con trai. Thử đặt ra câu hỏi, phụ nữ có thể theo chồng về làm dâu, phụng dưỡng ba mẹ chồng, thì tại sao người đàn ông lại không thể đến ở rể, chăm sóc ba mẹ vợ? Thậm chí, còn tiện để ông bà giúp đỡ chăm sóc các cháu lúc vợ chồng mình bận công tác”.
Vợ chồng trẻ chung sống với ba mẹ vợ, khoảng cách thế hệ, sự khác biệt trong lối sống, cách nghĩ có thể gây bất đồng là điều bình thường. Quan trọng là hai bên biết lắng nghe nhau, hiểu và cảm thông, có thiện chí vun đắp cho mối quan hệ chung. Khi chồng ở rể, vợ có thể là cầu nối, giúp chồng hiểu, gần gũi với ba mẹ mình hơn và ngược lại. Hãy để cho ba mẹ thấy rằng, có thêm con rể ở cùng nhà là có thêm một người con nữa.