Làm dâu đảm, không dễ

Có lẽ thư tôi hơi dài vì tôi muốn được trải lòng và tôi đặt niềm tin vào các CVTV của Trung tâm tư vấn Nối Kết.
 
Tôi nghĩ mình thuộc loại trung bình khá về mọi mặt: hình thức, trình độ, năng lực làm việc, đạo đức,… và tôi luôn cho rằng mình là người khéo léo, khôn ngoan, mạnh mẽ. Tôi lập gia đình được 16 tháng. Tôi đang sống cùng gia đình chồng, một gia đình giàu và có quyền lực. Ngoài giờ làm việc, tôi dành thời gian cho “bữa cơm đại gia đình” nhà chồng và thỉnh thoảng là cho bản thân tôi, bạn bè và gia đình bên tôi.

Hôm nay, khi nấu ăn bữa trưa, tôi chuẩn bị thức ăn nhưng lại quên nấu cơm. Mẹ chồng đã giận và bỏ bữa dù chồng tôi đã mua cơm trắng ở ngoài về theo “hướng dẫn” của ba chồng. Vậy là bữa trưa không có mẹ chồng, mọi người cắm cúi ăn, chỉ có tiếng khua của bát đũa. Lần đầu tiên tôi biết cảm giác nước mắt chảy ngược vào lòng, nuốt cơm như nuốt sạn. Cảm giác tôi phải nhận trong bữa trưa ấy là quá sức chịu đựng của tôi; nghĩa là tôi đã từng chấp nhận một số cảm giác khó chịu trước đây.

Tôi có thiếu sót, nhưng có đến mức phải nhận một thái độ như thế không? Tôi thấy mình bị xúc phạm, bị coi thường? Tôi có phức tạp hóa vấn đề? Tôi cần một lời tư vấn trong hoàn cảnh này.
 Cảm ơn rất nhiều!
 ngaychunhatcuaem@...
 
Chào chị!

Chị đã kết hôn được 16 tháng, thời gian chưa đủ dài để trải nghiệm mọi vấn đề của cuộc sống hôn nhân. Bản thân chị là người tự tin, có trình độ, năng lực, mạnh mẽ, khôn ngoan và khéo léo, hình thức trung bình khá… thì tôi tin rằng chị hoàn toàn có khả năng ứng xử với những tình huống trong gia đình.
 
Xét về mối quan hệ của chị với gia đình chồng, tôi rất thông cảm với chị khi phải sống trong một đại gia đình vì “chín người mười ý”, dù mình có khéo léo cách mấy đi nữa cũng không tránh khỏi sơ suất. Với lại, gia đình chồng chị giàu có, quyền thế nên ít nhiều nếp sống quan cách, thích được phục vụ, thích được làm đúng ý mình đã hình thành. Hoàn cảnh làm dâu của chị có thêm những áp lực nhưng không phải là không thể vượt qua.

Tôi nghĩ, biết người biết ta thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Trước hết, chị cố gắng tìm hiểu về nếp sống của gia đình chồng, tính cách từng người, đặc biệt là cha mẹ chồng để biết được mình cần phải làm gì để hòa nhập. Trong gia đình, chị nhận được sự hậu thuẫn từ phía chồng và bố chồng, đó là một thuận lợi. Vấn đề gút mắc chủ yếu là mẹ chồng. Với tình huống như qua thư chị kể, rất có thể bà đang có vướng mắc tâm lý nào đó với chị hoặc đang gặp chuyện bực mình đúng vào thời điểm đó nên mới có phản ứng gay gắt như vậy.

Chị hãy tìm hiểu và xác định rõ nguyên nhân để ứng xử. Nếu vì bà đang gặp chuyện bực mình, thì chị hãy thông cảm và quên đi việc không vui đã qua, xem đó là tâm trạng nhất thời của bà. Còn nếu thật sự bà có vướng mắc tâm lý với chị, thì chị hãy chọn lúc thích hợp để bày tỏ những khó khăn với mẹ chồng để bà hiểu và thẳng thắn, chủ động đề nghị bà có thể chia sẻ với chị khi cần thiết. Điều quan trọng là hãy sống thật với lòng mình, làm tròn trách nhiệm cần thiết của một người dâu. Qua thời gian, bà sẽ nhận ra, bà đang có một con dâu khéo léo, đảm đang, bản lĩnh. Chuyện xảy ra chỉ là một sự cố, nếu cố chấp nghĩ về nó như những hành động xúc phạm, chị sẽ khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn.
 
Chúc chị bình tâm, thêm nhiều nghị lực để mau chóng vượt qua sự cố này.
 
Hãy là người bạn gần gũi của con!

Chào chị Quỳnh Hương!

Con trai tôi năm nay học lớp 6, tự nhiên gần đây cháu không chịu đi học nữa. Biểu hiện bên ngoài của cháu cũng không có gì khác thường, chỉ thấy cháu buồn và ít nói hẳn đi. Tôi hết la mắng đến nói ngọt cháu vẫn không chịu đến trường, nói là chán học. Tôi lo quá, không biết tại sao con tôi như thế? Chị hãy giúp tôi, tôi nên làm gì để con trai tôi chịu đến lớp.
 
Cám ơn chị rất nhiều!

Nga (TP.HCM)

Chị Nga thân mến!

Có rất nhiều gia đình gặp khó khăn như chị khi có con sắp vào tuổi dậy thì. Làm sao giải quyết vấn đề này? Chúng ta hãy bắt đấu từ bản thân người lớn để xem xét chị nhé.

Trẻ con cần rất nhiều yếu tố để phát triển, từ vật chất đến tinh thần. Nhiều khi người lớn chỉ đơn giản nghĩ rằng, lo cho các cháu đầy đủ về vật chất, lo cho tương lai của con thật thành đạt là đủ… nên ép các cháu phải học tập quá sức, quá khả năng của các cháu. Điều này đã tạo cho các cháu áp lực, lo lắng, mất đi sự hồn nhiên, vô tư, trong sáng của tuổi thơ.

Mặt khác, khi chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, các cháu có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Hơn lúc nào, các cháu rất cần sự quan tâm, chia sẻ, động viên từ bố mẹ. Hãy tạo sự liên hệ, tạo cơ hội cho các cháu bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, những vướng mắc, khó khăn mà cháu đang gặp phải. Lúc đó, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề nhanh chóng và hiệu quả hơn. Mối quan hệ bạn bè của cháu cũng là điều mà chị nên lưu ý. Chị có thể thông qua giáo viên, bạn bè để khéo léo tìm hiểu xem có điều gì đang xảy ra với con mình để có sự hỗ trợ kịp thời, giải quyết vướng mắc tâm lý cho cháu.
 
Chúc chị thành công trong nuôi dạy các con.


 CVTV QUỲNH HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục