Xã Gio Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) nằm dọc theo đường xuyên Á từ TP Đông Hà đi về cảng Cửa Việt. Những ngày này, từng nhóm người xúm lại bên các lò sấy cá ở hai bên đường xuyên Á để làm cá, đưa cá đi phơi và canh bếp lửa hấp cá. Tất cả các công đoạn trên hầu hết đều do những người phụ nữ đã "đứng" tuổi ở địa phương thực hiện.
Ông Lê Ánh Hùng, Chủ tịch UBND xã Gio Việt, cho biết, nghề hấp sấy cá trên địa bàn hình thành khoảng 25 năm nay. Người dân học hỏi nghề này từ ngư dân các tỉnh phía Nam và duy trì đến hôm nay.
“Nghề này đã cho người dân thu nhập khá và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trung bình mỗi lò có khoảng 10-15 lao động, thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người”, ông Hùng nói.
Tại Gio Việt, lúc thịnh vượng có đến 81 lò hấp sấy cá duội, cá nục. Mùa cá duội rơi vào tháng 12 đến tháng 3 Âm lịch, còn cá nục thì từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Mỗi năm, xã Gio Việt cung cấp ra thị trường (chủ yếu là Trung Quốc) khoảng 10.000 tấn cá thành phẩm.
Theo tính toán, 1kg cá duội tươi giá khoảng 12.000 đồng, khi chế biến xong được thương lái thu mua 55.000 đồng/kg. Cứ 3kg cá tươi sau khi hấp, phơi thì còn độ 1kg cá khô.
Nghề hấp sấy cá ở Gio Việt không những phụ thuộc thời tiết, mà còn trông chờ vào sản lượng đánh bắt sau mỗi chuyến ra khơi. Ngoài ra, sản phẩm làm ra nhưng người dân không quyết định được giá bán, mà phụ thuộc vào thương lái thu mua.
Có lẽ vì thế mà nhiều chủ lò hấp sấy cá ở Gio Việt thường nói vui với nhau rằng: “làm con cá duội, hồn treo… muôn nơi”, là vậy.