Mỗi năm, có hơn 420.000 du khách Hàn Quốc đến Việt Nam, đứng thứ hai trong top 10 thị trường đông khách nhất đến Việt Nam. Theo sự phát triển dòng khách Hàn Quốc, Việt Nam cũng xuất hiện nhan nhản những hướng dẫn viên (HDV) du lịch… chui!
Doanh nghiệp trong nước “tiếp tay”
Thanh tra Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa trục xuất 40 HDV du lịch người nước ngoài làm “chui” tại Việt Nam, trong đó, có đến 16 HDV người Hàn Quốc. Đây chỉ là con số rất nhỏ so với quy mô hoạt động khá rầm rộ trên thực tế hiện nay.
Theo Thanh tra Tổng cục Du lịch, riêng tại Hà Nội, hiện có khoảng 300 người Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Tại TPHCM, có cả trăm HDV người Hàn Quốc đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy hoạt động khá rầm rộ nhưng các cơ quan chức năng vẫn rất khó khăn trong việc xác minh, tìm chứng cớ để khẳng định HDV vi phạm.
Các HDV Hàn Quốc hoạt động “chui” ngày càng có nhiều cách đối phó trong những tình huống bị kiểm tra. Có trường hợp, khi phát hiện một HDV đang dẫn một tốp khách đi tham quan, khi bị kiểm tra, anh này cho biết, mình chỉ là HDV “bất đắc dĩ” cho những người thân bên Hàn Quốc qua chơi, anh chứng minh được mình đang làm việc tại TPHCM. Có rất nhiều lý do giống như trên được đưa ra khi gặp đoàn kiểm tra, và trước tình huống này, các cơ quan chức năng vẫn không thể làm gì được, dù biết chắc đó là HDV làm chui.
Thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều người Hàn Quốc đang học tập, kinh doanh tại Việt Nam đang làm người đại diện, HDV cho các công ty du lịch tại Hàn Quốc. Những người này hoạt động như một văn phòng chui để trốn thuế tại Việt Nam. Ngoài những mánh khóe trên, các công ty du lịch Hàn Quốc còn có sự tiếp tay rất lớn từ các DN du lịch trong nước. Theo đánh giá, phần lớn các DN tiếp tay là những DN nhỏ, móc nối dẫn tour hoặc sẵn sàng đứng ra “chịu tội” thay cho công ty du lịch Hàn Quốc, với giá hoa hồng chỉ khoảng 2 USD/khách.
Chưa kể, mức phạt vi phạm kinh doanh lữ hành quốc tế không có giấy phép kinh doanh, sử dụng HDV không có thẻ hành nghề, chỉ ở mức 5 triệu đến 10 triệu đồng, xem ra chưa đủ lực để hạn chế HDV và các công ty chui thao túng thị trường khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam.
Theo Luật Du lịch Việt Nam, chỉ có HDV người Việt Nam mới được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, HDV người nước ngoài hoạt động là bất hợp pháp. Được biết, không chỉ có Việt Nam, mà tất cả các nước trong khu vực ASEAN đều áp dụng luật như trên.
Cần biện pháp xử lý hiệu quả
Bình quân mỗi tháng có 35.000 khách Hàn Quốc đến Việt Nam, nhưng các công ty du lịch lớn, uy tín trên thị trường Việt Nam mỗi tháng chỉ đón khoảng vài ngàn khách Hàn Quốc, số còn lại đổ vào các công ty chui. Đây là việc mà ngành du lịch Việt Nam cần phải tính. Rõ ràng, chúng ta đã thả nổi và dường như buông xuôi thị trường tiềm năng này cho các công ty du lịch kinh doanh trốn thuế.
Chính số lượng khan hiếm, chỉ có 40 HDV biết tiếng Hàn tại Việt Nam cũng góp phần vào tình trạng này. TPHCM hiện chỉ có 14 HVD tiếng Hàn, nhưng trong đó chỉ có 2 HDV được cấp thẻ chính thức, 12 HDV còn lại chỉ được cấp thẻ tạm thời vì chưa đáp ứng được yêu cầu phải có bằng đại học ngoại ngữ. Tại TPHCM hiện nay, tỷ lệ giữa HDV tiếng Hàn với du khách Hàn Quốc là một HDV trên 10.000 khách/năm.
Để giải quyết tình trạng “chui” này, đã có đề xuất, Tổng cục Du lịch có thể tính đến việc cấp thẻ thông ngôn cho người nước ngoài biết tiếng Hàn để họ có thể hỗ trợ phiên dịch cho HDV người Việt Nam cùng dẫn tour. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chánh Thanh tra Sở Du lịch TPHCM hiến kế, cần có quy định khi đón khách tại sân bay, dẫn khách tham quan, HDV du lịch phải mặc đồng phục, phù hiệu, logo của công ty du lịch chủ quản. Đồng thời các công ty cũng nên thực hiện tốt việc cung cấp kế hoạch tour, địa điểm đi đến cho các cơ quan quản lý.
Mỹ Hạnh