Khi bóng đá Việt Nam lên Chuyên nghiệp thì cũng là lúc mặt bằng bóng đá hình thành những ông bầu mang sức sống mới đến cho bóng đá Việt Nam. Đến giờ, bóng đá Việt Nam vẫn phải mang ơn những ông bầu dù mục đích của mỗi ông bầu qua cách làm bóng đá mỗi khác nhau. Bầu Thắng gieo vào cho Gạch một thứ bóng đá chân chất khác xa cái thời ông Bảy Nô liệu cơm gắp mắm cho Long An sống bằng việc thở bằng lỗ mũi người khác.
Bầu Đức biến một Gia Lai ì ạch mãi không lên nổi đội mạnh đi một lèo từ đội bóng hạng Nhất yếu thẳng tuốt lên Chuyên nghiệp rồi vô địch hai năm liền. Sau này lại thêm hàng loạt ông bầu như bầu Kiên làm LG. ACB hay bầu Tuân đến với bóng đá Hải Phòng. Rồi cả bầu Hưng biến 11 hecta đất ruộng thành một trung tâm sầm uất và một đội bóng hạng Nhất mới lên hạng…

“Bầu Hưng” Quách Thành Lai của Trung tâm thể thao Thành Long. Ảnh: Hoàng Vy
Những ông bầu ấy cho nhiều nhưng lấy lại quá ít. Chẳng hạn với bầu Thắng của Gạch Đồng Tâm một năm ngốn vào đấy không dưới 15 tỷ mà có lúc vẫn bạc đầu với chuyện “săn” từng con người và làm thế nào để cái tập thể không sao thành một tập thể mạnh. Bầu Đức chọn bóng đá làm thương trường cũng như thương trường của chính mình vậy, cho dù bốn năm gắn với bóng đá ông lỗ nhiều hơn lợi và mất lớn hơn được.
Ông đem về những người làm thuê cao cấp giống hệt như những Giám đốc điều hành nước ngoài ông từng thuê cho hệ thống khách sạn 4-5 sao và thuê làm những công trình lớn. Có điều những “chuyên gia” ông thuê cho bóng đá thường là những người có đủ về mặt uy tín (như ông Nguyễn Văn Vinh, Kiatisak, Dusit hay HLV Songamsak…) rồi chính ông cũng học những người ấy thật nhanh.
Bầu Kiên lại làm bóng đá theo kiểu quản lý Ngân hàng sau khi “săn” được một Giám đốc điều hành từng được gọi là Khổng Minh của bóng đá từ đất Nghệ An về. Ông Kiên biến một nhóm cầu thủ CA Hà Nội từng mang tiếng là bất trị thành một đội quân “hợp chủng quốc” từ đủ mọi lò về đá cho một đội bóng có cái tên ghép của Hà Nội vào với điện máy và Ngân hàng.
Bầu Tuân vào bóng đá muộn nhất nhưng chơi trội nhất với bản đề nghị các đội ký vào như một phát súng lệnh chống tiêu cực bóng đá. Cái bản đề nghị ấy không nói lên được chất riêng của một ông bầu nhưng lại được hiểu rằng giống như một bản răn đe cho chính mình khi đứng mũi chịu sào thành tích của một đội bóng chịu nhiều mang tiếng và phức tạp không kém.
Mỗi ông bầu đã đi theo một hướng riêng tùy cái mình đang có và tùy cái đích riêng của mình.
Ông Thắng như người thổi vào làn gió mát cho bóng đá Việt Nam từ những lời tuyên bố nghe rất sạch như sẵn sàng góp tiền vào để cải thiện đời sống trọng tài và để thay cho cái khoản mà các đội cứ phải lấm lét bồi dưỡng dưới dạng tiền đen. Hoặc chơi trội bằng động tác móc thẳng 15 triệu đồng cho ngay trung vệ Quang Sang khi cầu thủ này báo cáo với ông mình bị mua độ. Đồng tiền của ông Thắng được xem là đồng tiền khôn của một viên chức có hạng không riêng gì trong lĩnh vực bóng đá.
Ông Đức mạnh mẽ hơn với cái kiểu “phá giá” trong bóng đá với những lần trả lương không ai biết và thu phục người bằng cái cách rất riêng, rất giang hồ của mình. Ông có cái kiểu chi thích thì chiều với cầu thủ và sướng thì cho với những người ông thích. Chẳng hạn chỉ vì sướng với một bàn thắng của Hồng Sơn mà sẵn sàng vét túi 2.000 USD nhét vào tay tiền vệ này khi còn khoác áo đội tuyển Việt Nam dự Tiger Cup 96. Cái kiểu rất riêng ấy khiến ông nổi đình nổi đám trong đám bầu và được cầu thủ gọi bằng cái tên quen thuộc: Anh Ba. Kiểu chi khiến ông được nhiều và cũng mất rất nhiều vì bóng đá không thể áp dụng bằng tất cả những gì của “luật thương trường” vào đấy.
Ông Kiên lại xem tiền là chuyện phụ mà cái chính là con người, là cái đầu tàu mà ông trót tin và trót giao cho Nguyễn Hồng Thanh ông tìm được từ lò Nghệ An.
Bầu Tuân vào trễ nhưng chơi trội dù cái trội của ông có lúc phản lại ông. Cái kiểu làm bóng đá sạch bằng miệng và bằng những hình thức phát động của ông bầu này một mặt nào đó cũng giống với bầu Thắng. Một chiến dịch sạch được phát động trong các đội mạnh cho dù bản chất của vấn đề không đơn thuần chỉ là một cuộc vận động đặc biệt khi Hải Phòng gặp hàng loạt những khó khăn bên bờ vực xuống hạng.
Có một ông bầu làm bóng đá khác hẳn với mọi ông bầu: bầu Hưng (Quách Thành Lai). Một ông bầu biết đau với sự tuột dốc của bóng đá thành phố và dám xắn tay mình xốc dậy trước cả cái việc mà nhà nước (Sở TDTT TP.HCM) và tổ chức xã hội (LĐBĐ TP.HCM) đang dò tìm những nguyên nhân. Ông lập một trung tâm bóng đá chỉ để sướng với cái mà thành phố không làm được.
Ông chịu trách nhiệm với một đội bóng trẻ được làm lại từ cái nền cơ bản với hy vọng nó sẽ đại diện cho bóng đá thành phố. Ước vọng và hoài bão thật lớn nhưng con đường thì không bằng phẳng. Nhiều người lo ngại nhưng ông vẫn vui với lối đi riêng của mình. Lối đi khác hẳn với các ông bầu đổ tiền vào và muốn thu hoạch ngay trên mặt bằng chuyên nghiệp. Cái kiểu làm mà nhiều người ái ngại khi thấy ông nướng cả núi tiền cho bóng đá trẻ, cho cái gọi là phong trào…
Làm bầu bóng đá Việt Nam bây giờ thật đa dạng và cũng thật dễ. Cứ có tiền là lao vào làm bầu và làm theo cái cách của riêng mình.
Không hẳn tất cả những ông bầu tự phát ấy đều đi đúng hướng, nhưng dù sao thì bóng đá Việt Nam phải cảm ơn họ rất nhiều bởi những xu hướng mới và sức sống mới cho bóng đá Việt Nam.
Một năm trôi qua, không ít ông bầu mệt mỏi vì mặt trận mới của mình. Hy vọng nhiệt huyết ấy vẫn còn đầy tràn nơi mỗi ông bầu cộng với những biến cố vừa qua trong làng bóng Việt Nam sẽ giúp mỗi ông bầu nhìn ra lối đi chung cho mình và cho bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam chưa có một ông bầu nào tầm cỡ như Thawatchai nhưng với những bước đi dò dẫm và với sự phát triển từng bước của bóng đá Việt Nam, chúng ta không thiếu những con người như thế.
Đã có nhiệt huyết, vấn đề còn lại là cái tầm.
Mong nhiệt huyết không nguội và mong cái tầm được nâng lên.
NGUYỄN NGUYÊN