Gần đây, phản ánh với đường dây nóng của Báo SGGP, nhiều phụ huynh bức xúc về việc giáo viên bộ môn ở một số trường bắt đầu có biểu hiện cho học sinh điểm kém để “ép” học thêm. Nếu tình trạng này không được các hiệu trưởng giám sát, quản lý chặt thì dạy thêm học thêm lại nở rộ và biến tướng.
“Nhiều học sinh khối lớp 8 của Trường Trung học SG ở quận 5 cảm thấy sợ học tiết Lý (của thầy N.). Nguyên nhân do thầy giảng bài học sinh không chỉ không hiểu mà còn thấy hoảng loạn, không hiểu thầy muốn gì. Sau khi dành 2/3 thời gian giải bài tập và 1/3 thời gian dạy lý thuyết, thầy hỏi có học sinh nào trong lớp chưa hiểu bài. Nhiều cánh tay giơ lên và em nào thẳng thắn nói mình không hiểu bài, liền bị thầy chất vấn: “Tại sao không chuẩn bị bài, học bài kỹ ở nhà, nên đến lớp mới không hiểu bài”. Nghe hỏi học sinh ngơ ngác và bị thầy cho ăn điểm 0. Không chỉ những trường hợp bị điểm 0 oan ức, tất cả học sinh đều bất bình về cách cho điểm thiếu công bằng này” - Đó là một phần nội dung phản ánh với Báo SGGP của các phụ huynh ở trường này.
Cũng theo họ, số học sinh đang theo học thầy nhưng không tham gia lớp dạy thêm của thầy nên bị “đì” như vậy. Nghe con cái than thở chán học môn Lý với thầy N. và bực bội vì phải nhận điểm kém vô lý, nhiều phụ huynh lo lắng và đã phản ánh với giáo viên chủ nhiệm. Tuy ghi nhận, chia sẻ nỗi bức xúc của phụ huynh, nỗi oan ức của học trò nhưng giáo viên chủ nhiệm thổ lộ rằng đây là việc tế nhị và sẽ tìm cách phản ánh với ban giám hiệu. Vậy hiệu trưởng của trường này có nắm rõ bao nhiêu giáo viên của mình đang dạy thêm và người nào có biểu hiện trù dập cho điểm kém để bắt ép học trò học thêm?
Tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh năng động, bổ sung thêm nhiều kỹ năng sống (Trong ảnh: Học sinh phổ thông TPHCM tham gia trò chơi sáng tạo về công nghệ thông tin)
Nhiều phụ huynh có con đang học ở khối lớp 3 và các khối 4, 5 của Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) cũng phản ánh giáo viên chủ nhiệm vẫn tổ chức dạy thêm ở những điểm gần trường hoặc tại nhà cho học sinh. Không biết ban giám hiệu nhà trường có nắm được vụ việc hay không? Một phụ huynh cho biết, con mình không đi học thêm hay bị cô chê là học chưa giỏi, chữ xấu, nhưng chị kiên quyết không cho con học thêm vì cháu đã học hai buổi, không còn sức để học thêm.
Tương tự, một phụ huynh có con học lớp 8 ở một trường THCS quận 1 cũng phản ánh rằng con mình học môn Anh văn rất giỏi vì có năng khiếu, lại thêm từ nhỏ đã theo học ở trung tâm có yếu tố nước ngoài. Thế nhưng, dù giỏi 4 kỹ năng theo chuẩn quốc tế và chuẩn bị thi IELTS nhưng kỳ kiểm tra gần đây, học trò này làm bài chỉ đạt 3 điểm. Nguyên nhân cũng xuất phát từ việc không theo học lớp dạy thêm của cô dạy Anh văn.
Trước đó, một số phụ huynh Trường THCS Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) cũng phản ánh con em mình bị một giáo viên môn Văn “ép” học thêm dưới chiêu bài phụ đạo không lấy tiền. Điều đáng nói là những học sinh này đã phải học ngày 2 buổi nhưng giáo viên cũng không buông tha.
Theo nhiều phụ huynh, từ khi UBND TPHCM và Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho phép dạy thêm trong trường học, nhiều giáo viên bắt đầu có hành động cho làm bài kiểm tra 15 phút với đề rất khó để ép học sinh đi học thêm. Hơn nữa, họ dùng nhiều chiêu tinh vi để dụ dỗ học trò đến điểm dạy thêm của mình. Điều này khiến phụ huynh đau đầu, còn học sinh chán nản, mất niềm tin vào giáo viên vì sự thiếu công tâm, hành xử vì lợi ích cá nhân. Làm thế nào quản lý việc dạy thêm đang có dấu hiệu “biến tướng” không lành mạnh?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định rằng: “Hiệu trưởng các trường là người chịu trách nhiệm toàn diện với cơ quan quản lý cấp trên về việc quản lý, giám sát giáo viên thuộc đơn vị mình tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường. Ngành GD-ĐT TP kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định, nhất là “ép” học trò học thêm bằng cách cho điểm kém, hù dọa…”. Cũng theo ông Hiếu, dạy thêm phải dựa trên tinh thần tự nguyện và xuất phát từ lợi ích của chính học sinh, giáo viên không được tìm cách lôi kéo học trò bằng mọi cách như phụ huynh phản ánh. Vì thế, giáo viên nào muốn dạy thêm phải báo cáo hiệu trưởng và được phép thì mới tổ chức dạy. Ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Để thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng, Sở GD-ĐT TPHCM, phụ huynh cần hợp tác, thông báo cụ thể về danh tính, địa chỉ dạy thêm trái phép của giáo viên để sở xử lý kịp thời. Ông Hiếu cũng nhấn mạnh, để bảo vệ quyền lợi của con em mình, phụ huynh đừng sợ bị trù dập hoặc bị lộ thông tin phản ánh, vì Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra, xử lý ngay những sai phạm từ việc ép học thêm và những hành vi sai trái của giáo viên. Hãy phản ánh thông tin trực tiếp đến số điện thoại của Phòng Trung học Sở GD-ĐT: 08.38299681 hoặc tiếp công dân số 08.28229360.
KHÁNH BÌNH