Sáng 8-7, ông Trần Lê Trung Hiếu, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết đơn vị đang triển khai các thủ tục xin giấy phép để đổ khoảng 2,4 triệu m3 bùn, cát thải xuống khu vực biển Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Theo đó, khối lượng bùn, cát và một số vật, chất khác (vỏ sò, sỏi…) này thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100.000 tấn nhập than từ nước ngoài về phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng và BOT Vĩnh Tân 3.
Dự kiến, vị trí mà EVEGENCO3 xin đổ vật liệu thải sau nạo vét nằm cách vị trí khu bảo tồn biển Hòn Cau (xã Vĩnh Tân) khoảng 10 km.
Trước đó, ngày 23-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân) được nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát thải xuống khu vực biển Vĩnh Tân.
Ngay sau đó, dư luận và các nhà khoa học cho rằng, việc làm này sẽ gây ra những tác động nhất định đến môi trường, kinh tế, xã hội tại khu vực, nhất là ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau (1 trong 16 Khu bảo tồn biển của cả nước), khu nuôi trồng thủy sản và đời sống, sản xuất của nhân dân.
Tiến sĩ khoa học (TSKH) Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học liên Chính phủ Việt Nam, cho biết theo Hải dương học nghiên cứu, thường thì chất xả thải xuống biển sẽ có tác động phạm vi khoảng 170 hải lý (trên 300km), nhưng chỗ nhận chìm của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chỉ cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau 8km. Do vậy, hoạt động này sẽ anh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ toàn bộ khu vực bị nhận chìm mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Hòn Cau.
Trong khi dư luận xã hội đang băn khoăn, lo lắng về việc gần 1 triệu m3 sẽ được nhận chìm xuống biển có thể sẽ gây tác hại khôn lường thì nay, EVEGENCO3 lại đang xin "đổ" khoảng 2,4 triệu m3 bùn, cát xuống cùng khu vực biển Vĩnh Tân càng khiến người dân bất an hơn.