Lái xe gây chết người có phạm tội giết người?

Một số bạn đọc đặt câu hỏi: Người điều khiển phương tiện giao thông gây ra tai nạn làm chết người, có bị xem là phạm tội giết người không?

Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ với những hành vi xâm phạm an toàn công cộng. Cụ thể theo Điều 202, một người bị xem là có hành vi cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, từ đó gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản cho người khác. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác.

Cũng theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự, căn cứ theo mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản mà người có hành vi phạm tội sẽ phải chịu các hình phạt khác nhau. Có 3 mức hậu quả được pháp luật quy định là gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, hình phạt nhẹ nhất dành cho người phạm tội này là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, hình phạt nặng nhất là phạt tù từ 7 - 15 năm, kèm theo hình phạt bổ sung là có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm. Pháp luật cũng quy định rất rõ cách thức phân biệt từng mức độ thiệt hại tại Điều 4 Phần 1 Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 17-4-2003 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định một số trường hợp về hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại chết người nhưng không áp dụng Điều 202 Bộ luật Hình sự. Theo Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông, trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển trong trường học, công trường…) mà gây ra tai nạn thì bị truy cứu trách nhiệm về các tội phạm tương ứng nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó, như: tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự; tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự; hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người” quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.

Luật sư NGUYỄN TRUNG TRỰC
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục