Theo TS Đào Minh Sô, để nghiên cứu được giống lúa "hậu duệ" đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sống khỏe, năng suất cao, hạt gạo đẹp, thơm ngon, phải mất cả chục năm tìm tòi lai tạo.
Trong quá trình khai thác nguồn gen lúa cổ truyền để tạo ra nguồn gen lúa cải tiến đáp ứng nhu cầu thị trường, nhóm nghiên cứu chọn tạo được một số dòng lúa màu cải tiến bằng phương pháp đột biến từ các giống lúa cổ truyền thời điểm năm 2010. Nguồn vật liệu lúa màu cải tiến này còn hạn chế về giá trị sử dụng nhưng là tiền đề giúp lai tạo ra các giống lúa màu phù hợp mùa vụ canh tác và tiêu dùng như hiện nay.
Sau đó công tác lai tạo được tiến hành giữa các thể biến dị đột biến có màu sắc với các nguồn gen lúa cải tiến khác nhau. Giống lúa SR20 là con lai được chọn từ tổ hợp: vật liệu bố là một dòng lúa đỏ đột biến được phát triển từ nguồn gen cổ truyền trong nước và vật liệu mẹ là một dòng lúa đen nước ngoài. Cặp lai này nhằm khai thác lợi thế di truyền từ các tính trạng tốt của bố và mẹ. Việc này làm liên tục từ năm 2015, đến năm 2019 đã xác định một số dòng thuần lúa màu triển vọng, trong đó dòng lúa màu SR20 thể hiện rõ nhất về giá trị canh tác và sử dụng.
Theo TS Đào Minh Sô, giống SR20 có thời gian sinh trưởng ngắn (di truyền từ bố), kiểu hình đẹp, chứa sắc tố đỏ và tím (trung gian giữa bố và mẹ), bông chùm (di truyền từ mẹ), năng suất cao, có ưu thế vượt trội về chất lượng so với giống mẹ (tím đen, gạo nát, cơm ướt và quá dẻo) và giống bố (đỏ, cơm khô).
Giống lúa SR20 được khảo nghiệm và thử nghiệm diện rộng nhiều điểm ở vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL từ vụ Đông Xuân 2020 - 2021 đến nay, và thể hiện được tính ổn định các ưu điểm như: ngắn ngày (92 - 96 ngày), năng suất cao (5 - 8 tấn/ha), chống chịu sâu bệnh tốt; đặc biệt cơm rất ngon, vị ngọt, dẻo vừa và xốp như gạo của giống Huyết Rồng cổ truyền, thích hợp đa số người tiêu dùng.
Gạo Mắt Rồng SR20 được giới chuyên gia xếp vào nhóm đặc sản, có giá trị cao về mặt dinh dưỡng (giàu vi chất khoáng và vitamin).
Huyết Rồng là giống lúa màu nổi tiếng từ xưa vùng ĐBSCL: Hạt gạo màu đỏ đặc trưng, cơm dẻo và xốp, chứa nhiều dưỡng chất và ngon cơm. Nhưng vì là giống lúa mùa địa phương, thích nghi với mùa nước nổi nên thân cây cao 1,6 - 1,8m, dễ bị đổ ngã, thời gian sinh trưởng kéo dài (5 - 6 tháng), năng suất thấp (khoảng 0,5 tấn/ha).
Khi ĐBSCL chủ động được nguồn nước, giúp tăng vụ lúa (từ 1-2 lên 2-3 vụ/năm) giúp chuyển đổi cơ cấu sang giống lúa ngắn ngày để tăng sản lượng và năng suất, giống lúa Huyết Rồng không còn phù hợp nên dần bị lãng quên.