Lãi suất tiết kiệm giảm sâu, ngân hàng đẩy vốn vay rẻ ra thị trường

Trong bối cảnh tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng âm, lãi suất tiết kiệm trên thị trường tiếp tục giảm sâu, nhiều ngân hàng đẩy vốn giá rẻ ra thị trường để kích cầu tín dụng.

Sacombank đang triển khai gói tín dụng cho vay chỉ 3%/năm để kích cầu tín dụng
Sacombank đang triển khai gói tín dụng cho vay chỉ 3%/năm để kích cầu tín dụng

Thanh khoản dư thừa, lãi suất tiếp tục giảm

Từ đầu tháng 3-2024, lãi suất tiết kiệm đã được gần 20 ngân hàng thương mại (NHTM) trên thị trường tiếp tục điều chỉnh giảm, dù làn sóng giảm lãi suất đã bắt đầu từ tháng 3-2023. Theo đó, các NHTM giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, trong đó cao nhất có ngân hàng giảm đến 1,1%. Cụ thể, tuần qua, Sacombank giảm từ 0,7- 1,1%/năm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 4 - 5 tháng xuống chỉ còn 2,5%/năm. Hiện lãi suất cao nhất kỳ hạn 36 tháng của Sacombank cũng giảm 1% xuống còn 5%/năm. SeABank cũng điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,5% ở các kỳ hạn, còn cao nhất ở mức 4,6%/năm kỳ hạn 18 - 36 tháng và thấp nhất là kỳ hạn 1 - 2 tháng còn 2,7%/năm. Riêng kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 3,75%/năm. ABBank cũng giảm 0,1 - 0,2% tại một số kỳ hạn, theo đó, lãi suất cao nhất là kỳ hạn 6 tháng còn 4,6%/năm. Riêng kỳ hạn 9 - 12 tháng giảm xuống còn 4,5%…

Không chỉ các NHTM tư nhân, các NHTM Big 4 (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đã có mức lãi suất tiền gửi khá thấp so với mặt bằng chung và mới đây tiếp tục giảm lãi suất huy động thêm 0,1 – 0,2% tại tất cả kỳ hạn. Hiện lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tại các NHTM này chỉ còn ở mức 1,7%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng dưới 5%, dao động ở mức 4,7%- 4,8%/năm.

Hiện lãi suất huy động tại các NHTM tư nhân không còn lãi suất từ 6%/năm trở lên và tại các NHTM Big 4 không còn mức lãi suất từ 5%/năm trở lên. Như vậy, hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi so với cùng kỳ năm 2023 đã giảm 50% và dự kiến duy trì ở mức thấp ít nhất đến giữa năm.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 2-2024, dư nợ tín dụng toàn hệ thống giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Sự dư thừa trong hệ thống còn được thể hiện thông qua việc NHNN đã có động thái hút ròng tiền trên thị trường về thông qua kênh tín phiếu từ ngày 11-3 đến nay, sau hơn 4 tháng tạm ngưng. Tính đến ngày 25-3, NHNN đã hút ròng gần 152 ngàn tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng thông qua phát hành tín phiếu, trong khi không có động thái bơm ra.

Lãi suất vay hấp dẫn để bơm vốn ra nền kinh tế

Trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục giảm, nhiều NHTM đưa lãi suất cho vay hấp dẫn, thậm chí phải đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về 3% một năm, thấp hơn lãi tiền gửi, để bơm vốn ra nền kinh tế.

Cụ thể, từ ngày 21 đến hết 31-3-2024, Sacombank triển khai nguồn vốn 10.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong giai đoạn cuối quý 1-2024. Mức lãi suất này áp dụng đối với các khoản vay có thời hạn 3 tháng được giải ngân đến cuối tháng 3-2024. Gói lãi suất này dành cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn nên quy trình và thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn cũng sẽ được ưu tiên xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Mới đây, SHB cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay chỉ còn từ 5,79%/năm đối với khoản vay trung dài hạn dành cho khách hàng cá nhân. SHB cũng bổ sung thêm 5.000 tỷ đồng vào gói vay dành cho khách hàng lên 23.000 tỷ đồng giúp người dân bổ sung vốn dự trữ hàng hóa, sản xuất kinh doanh phục vụ thị trường cũng như chuẩn bị tiền để mua sắm, thanh toán, chi tiêu… Với khách hàng doanh nghiệp, SHB triển khai chương trình tín dụng với quy mô 10.000 tỷ đồng cho khách hàng sản xuất kinh doanh với lãi suất giảm chỉ còn từ 5,8%/năm và gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp có nhu cầu vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi cũng chỉ từ 6,5%/năm. Các gói vay ưu đãi được SHB áp dụng với các khoản vay mới của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp đến hết ngày 31-12-2024.

Không chỉ đưa ra các gói vay ưu đãi, ABBank còn đưa ra các giải pháp tài chính dựa trên từng ngành nghề để chia sẻ và giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về chi phí vốn, chủ động trong việc quản lý dòng tiền. Cụ thể, đối với doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong ngành dược và trang thiết bị y tế, ngân hàng này sẽ cấp hạn mức tín dụng không yêu cầu tài sản bảo đảm, được tài trợ lên đến 90% giá trị hợp đồng kinh tế, tỷ lệ cho vay đối với tài sản là quyền đòi nợ lên đến 85%. Bên cạnh đó, khách hàng còn được hỗ trợ tới 50% phí thanh toán quốc tế, phí bảo lãnh trong nước/cam kết thu xếp tài chính cùng với ưu đãi tỷ giá. Đối với doanh nghiệp là nhà thầu thi công xây dựng, lắp đặt máy móc thiết bị, cung ứng nguyên vật liệu, máy móc, trang thiết bị cho các gói thầu, dự án có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA …, ABBank nhận tài trợ đảm bảo tối đa 100% bằng quyền đòi nợ, tỷ lệ cho vay đối với tài sản đảm bảo khác lên đến 99% giá trị tài sản, tỷ lệ ký quỹ phát hành L/C, bảo lãnh ưu đãi, không yêu cầu ký quỹ đối với bảo lãnh bảo hành và bảo lãnh dự thầu….

Không chỉ đưa ra các gói lãi suất ưu đãi, hiện nhiều NHTM cũng đã công khai lãi suất cho vay để mở rộng khách hàng, góp phần thúc đẩy tín dụng. Cụ thể, BIDV công bố lãi suất cho vay bình quân tháng 3 quanh mức 6,49%/năm. Còn Sacombank có lãi vay cơ sở kỳ hạn 1-3 tháng 4,2%/năm, kỳ hạn 4-6 tháng 5,6%/năm, kỳ hạn 10-12 tháng 7,7%/năm, trung dài hạn là 8,5%/năm…

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TPHCM đã và đang tiếp tục chủ động các giải pháp mở rộng và tăng trưởng tín dụng gắn với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về mặt lãi suất thông qua 2 hoạt động cơ bản: giải ngân các gói tín dụng ưu đãi, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, NHNN và UBND TPHCM, điều chỉnh giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp phù hợp với xu hướng giảm lãi suất huy động đầu vào. Đồng thời, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động gắn với đổi mới công nghệ và cải cách hành chính, trên cơ sở đó giảm chi phí đầu vào, để giảm lãi suất cho vay bền vững.

Tin cùng chuyên mục