Lãi suất tiền gửi giảm dần, dòng tiền chuyển hướng đầu tư

Lãi suất tiền gửi giảm dần, dòng tiền nhàn rỗi đã, đang và sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư có mức sinh lợi cao hơn, thay vì tập trung chảy vào kênh gửi tiết kiệm ngân hàng như thời gian trước đây.

Tín dụng bất động sản tăng

“Nước chảy chỗ trũng”, kênh đầu tư nào có mức sinh lợi cao, dòng tiền thông minh sẽ chảy vào. Không chỉ chứng khoán, mà một phần tiền từ kênh tiết kiệm cũng đã đổ vào bất động sản, vì theo số liệu từ NHNN, tín dụng bất động sản trong 6 tháng đầu năm tăng 17,41%, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn ngành và tăng hơn 7% so với cả năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, dòng tiền trên thị trường chứng khoán thời gian qua tăng mạnh do một lượng tiền lớn tiền nhàn rỗi đổ vào. Mặt bằng lãi suất trong thời gian tới nếu giảm thêm sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

NHUNG NGUYỄN

Tăng trưởng tín dụng thấp

Trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang dư thừa, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra hàng loạt gói lãi suất ưu đãi, nhiều chương trình đẩy mạnh tín dụng như cho vay nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa gạo, tín dụng xanh… nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Tính đến cuối tháng 8-2023, tín dụng mới tăng 5,56% so với cuối năm 2022; trong khi đó cùng kỳ năm trước, mức tăng đạt hơn 9,5%.

Lãnh đạo một NHTM tại TPHCM cho biết, không chỉ đưa ra các gói ưu đãi mà ngân hàng còn chủ động giảm thêm lãi vay, đơn giản hóa thủ tục để người vay dễ tiếp cận nhưng việc đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế vẫn rất khó khăn. Ngay cả khi các ngân hàng đã áp dụng chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cho phép khách hàng vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác khiến các ngân hàng phải cạnh tranh về lãi suất, nhưng cũng khó đẩy mạnh tín dụng, bởi còn phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng tại TPHCM điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm. Ảnh: MINH HUY

Nhân viên một chi nhánh ngân hàng tại TPHCM điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm. Ảnh: MINH HUY

Tại một hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thừa nhận, hiện ngân hàng đang thừa tiền và đang phải “chữa bệnh” này. Phó Thống đốc chia sẻ rằng, chữa bệnh thiếu tiền đã khó, chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Thời gian qua, NHNN cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy mạnh kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… Thế nhưng, việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn và không muốn vay.

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định: Dù nỗ lực đẩy mạnh dòng chảy tín dụng song không thể “ném tiền qua cửa sổ”, dẫn tới mất vốn, mất an toàn của các tổ chức tín dụng, bởi nguồn tiền cho vay của các ngân hàng là tiền huy động của dân, phải kinh doanh hiệu quả để trả lại cả gốc lẫn lãi cho người dân. Vì vậy, ngân hàng có thể giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng không phải là cấp phát, cho vay vẫn phải thu hồi được nợ.

Chứng khoán hút dòng tiền

Hiện nhiều NHTM đang liên tục giảm lãi suất huy động như là một trong những giải pháp giải quyết tình trạng “ứ” tiền. So với mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức 10%-11,5%/năm vào thời điểm đầu năm, mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay đã giảm một nửa, chỉ còn 5%-6,5%/năm.

Theo các chuyên gia tài chính, khi xu hướng mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm, dòng tiền nhàn rỗi chảy vào kênh tiền gửi tiết kiệm cũng giảm và thực tế đã giảm dần kể từ tháng 5-2023. Thống kê từ các công ty chứng khoán cho thấy, vào cuối tháng 4-2023, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt 6,33 triệu tỷ đồng, tăng 7,96% so với cuối năm 2022; nhưng qua tháng 5-2023, tiền gửi của người dân tại ngân hàng chỉ tăng 14.700 tỷ đồng, thấp hơn mức tăng bình quân trên 110.000 tỷ đồng mỗi tháng giai đoạn 4 tháng đầu năm.

Trong khi đó, từ tháng 4-2023 đến nay, lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán tăng mạnh. Thanh khoản trên thị trường trong tháng 8 và nửa đầu tháng 9-2023 đã có phiên đạt trên 1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ đồng), thậm chí có không ít phiên vượt 30.000 tỷ đồng (1,4 tỷ USD).

Chị Trang Thùy (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, lãi suất 12 tháng tại NHTM đã giảm một nửa nên chị đã rút sổ tiết kiệm 300 triệu đồng vừa đáo hạn để đầu tư vào cổ phiếu. “Thị trường chứng khoán từ đầu tháng 9-2023 đến nay khá thuận lợi với mức sinh lợi cao hơn tiền gửi khoảng 3%-5%. Nếu thuận lợi, vào đầu tháng 10-2023, khoản tiền gửi 200 triệu đồng đáo hạn ngân hàng, tôi cũng sẽ chuyển sang chứng khoán”, chị Trang Thùy cho hay.

Theo báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng vừa công bố, Công ty Chứng khoán Yuanta dự báo, NHNN sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất vào cuối năm nên sẽ có một lượng tiền lớn ở kênh tiết kiệm sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Yuanta, lượng tiền gửi tiết kiệm tại các NHTM tăng mạnh trong quý 4-2022 sau khi NHNN tăng lãi suất vào tháng 10-2022 có phần lớn là tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng. Theo đó, sẽ có khoản tiền gửi tiết kiệm trị giá khoảng 496.000 tỷ đồng đáo hạn trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12-2023, nên có khả năng dòng vốn này sẽ chảy một phần vào thị trường chứng khoán nhiều hơn trong quý 2-2023.

“Chúng tôi không cho rằng các khoản tiền gửi đáo hạn sẽ chuyển hướng sang thị trường chứng khoán, nhưng giả sử rằng 10% số tiền gửi đó sẽ chảy vào thị trường chứng khoán thì thị trường này đã có thêm tương đương với 49.000 tỷ đồng”, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta cho hay. Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cũng cho rằng, chứng khoán sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn khi lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm xuống trong thời gian tới.

Vì thế, khó tránh được việc dòng tiền của nhà đầu tư có thể dịch chuyển một phần sang các kênh đầu tư khác để hưởng lợi suất cao hơn và xu hướng này sẽ rõ nét hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá, từ nay đến cuối năm sẽ có một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Khi lãi suất giảm, nhiều nhà đầu tư sẽ không còn mặn mà gửi tiết kiệm ngân hàng. Thay vào đó, sẽ hướng đến những kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với gửi tiết kiệm, trong đó có chứng khoán, vàng, bất động sản, ngoại tệ…

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện các kênh đầu tư tại Việt Nam không nhiều, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tìm nơi để đầu tư thêm phần thách thức. Nhà đầu tư có thể ưu tiên tìm các kênh đầu tư có mức sinh lời cao hơn tiền gửi tiết kiệm, nhưng phải đặt vấn đề an toàn vốn và thanh khoản lên trên hết. Việc chọn kênh đầu tư tùy vào khả năng về tài chính của mỗi người, nhưng cần phải có sự am hiểu nhất định về lĩnh vực mình muốn đầu tư để lựa chọn.

Vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác không dễ tiếp cận

Hiện trên thị trường có khoảng 6-7 NHTM đã cho khách hàng cá nhân vay lãi suất thấp để trả nợ mua xe, hay nhà đất (trước đây chỉ áp dụng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh) tại ngân hàng khác. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn rất ít khách hàng tiếp cận được khoản vay này.

Theo đó, một số NHTM tại TPHCM cho biết, vẫn chưa có nhiều hồ sơ được vay theo quy định này. Vì phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để đi vay tại ngân hàng mới.

Mặc dù lãi suất cho vay được giảm khoảng 3%-5% so với khoản vay hiện hữu, nhưng khách hàng phải chịu phí phạt từ 2%-3% khi tất toán khoản vay, trả các loại phí giải chấp, phí thẩm định lại tài sản, phí công chứng và thêm vào đó khi vay ngân hàng mới thường phải mua kèm hợp đồng bảo hiểm mới… làm tăng thêm chi phí nên người vay cũng rất cân nhắc.

Đó là chưa kể nguyên tắc cho vay của mỗi ngân hàng khác nhau nên chủ trương trên chưa nhiều NHTM triển khai. Một số khách hàng đã được ngân hàng giải ngân để trả nợ khoản vay cho ngân hàng khác hầu hết là có tài sản đảm bảo để thế chấp tại ngân hàng mới.

Tin cùng chuyên mục