Tính từ đầu tháng 6-2024 đến nay, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, từ ngày 26-6, SHB đã điều chỉnh lãi suất cao nhất lên đến 6,1%/năm cho các kỳ hạn từ 36 tháng sau khi tăng 0,2%/năm ở tất cả các kỳ hạn. Các kỳ hạn khác: 1-2 tháng lãi suất tăng lên 3,3%/năm, 3-5 tháng là 3,4%/năm, 6-8 tháng 4,7%/năm, 9-11 tháng 4,8%/năm, 12 tháng 5,2%/năm, kỳ hạn 13-15 tháng 5,3%/năm, kỳ hạn 18 tháng 5,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng 5,8%/năm.
ABBank cũng vừa điều chỉnh lãi suất tăng cao nhất lên đến 1,4%/năm. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại ABBank đã lên 6%/năm sau khi tăng 0,4%/năm. Ngoài ra, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cũng được ngân hàng này tăng 0,8%/năm lên 5,6%/năm; kỳ hạn 7 - 11 tháng tăng 1,4%/năm lên 5,8%/năm.
OCB cũng vừa tăng lãi suất tiền lên cao nhất thêm 0,3%/năm. Theo đó, tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng lên mức 3,7%/năm- 4,3%/năm; kỳ hạn 6-8 tháng tăng lên 4,9%/năm, kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 5%/năm, và kỳ hạn 12-15 tháng tăng lên 5,2%/năm. Các kỳ hạn trên 15 tháng vẫn được ngân hàng này giữ nguyên, trong đó, kỳ hạn 36 tháng có lãi suất huy động cao nhất là 6%/năm.
Ngoài ra, hiện NCB, OceanBank và HDBank cũng có mức lãi suất kỳ hạn 18 tháng cao nhất lên đến 6,1%/năm.
Không chỉ các NHTM tư nhân, hiện các NHTM Nhà nước (Big 4: Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) cũng đang có mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,98%/năm từ mức đáy 4,68%/năm vào đầu tháng 4-2024.
Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng khó tăng cao, nguồn tiền nhàn rỗi đã “chảy” vào ngân hàng trú ẩn. Theo số liệu mới nhất từ NHNN, đến cuối tháng 3-2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng). Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và lập kỷ lục mới.
Riêng trong tháng 3-2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm 39.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% hay hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2-2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến hết tháng 2-2024 tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Theo thống kê và nhận định từ các công ty chứng khoán, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,3-0,5% trong quý 2 và 3-2024 và thể sẽ tiếp tục tăng trong quý 4-2024 nhưng khó tạo ra “cuộc đua” lãi suất tiền gửi của toàn thị trường. Kỳ vọng cả năm 2024 lãi suất có thể tăng 0,5-1%.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, lãi suất tiết kiệm tăng vì các NHTM chuẩn bị thanh khoản đón đầu cầu tín dụng tăng trong các quý còn lại của năm.
Thông tin từ NHNN cũng cho thấy, tính đến giữa tháng 6-2024, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Mặc dù tăng trưởng tín dụng chưa cao nhưng tốc độ tăng trưởng cải thiện dần qua các tháng và doanh số tín dụng của các ngân hàng cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm trước.