VietCapitalBank đã tăng lãi suất cao nhất 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, VietABank cũng đã tăng lên mức này với kỳ hạn 24 tháng.
Ngoài các kỳ hạn dài, một số ngân hàng còn cộng thêm biên độ lãi suất 0,2% - 0,4%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn ngắn 1 - 6 tháng. Chẳng hạn, tại PVcombank, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhất là 7,9%/năm và khi gửi tiền tối thiểu 30 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất cộng thêm 0,4%/năm…
Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà tại các ngân hàng lớn, cạnh tranh trong huy động tiết kiệm cũng đã bắt đầu với mức lãi suất bình quân là 5,5% - 6%/năm cho kỳ hạn 1 - 6 tháng và 7% - 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
Liên quan đến việc này, các chuyên gia cho rằng khó có khả năng mặt bằng lãi suất cho vay giảm trên diện rộng trong quý 4-2017 như mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Lý do, quý 4 là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao, thanh khoản cũng thường chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, nên các ngân hàng sẽ không “mạo hiểm” giảm lãi suất huy động. Khi lãi suất huy động không giảm, rất khó để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm, ngoại trừ một số ngân hàng có khả năng cắt giảm chi phí quản lý hành chính hoặc đã “nhẹ gánh” trong trích lập dự phòng xử lý nợ xấu.