NHNN mới đây có cuộc họp với các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm đánh giá tình hình lãi suất quý và xu hướng lãi suất năm 2017. Tại cuộc họp, các NH đều đồng thuận với những đánh giá của NHNN và cho rằng không có áp lực về lãi suất.
Nhóm NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều không điều chỉnh lãi suất kể từ cuối năm 2016 đến nay. Một số NHTMCP như Techcombank, MB, SHB, TPBank thời gian qua cũng không điều chỉnh lãi suất.
Chỉ một số NHTMCP biến động nhẹ lãi suất hay phát hành chứng chỉ tiền gửi trong thời gian qua và cho rằng việc tăng nhẹ lãi suất ở một vài kỳ hạn là hoạt động bình thường chứ không có áp lực về thanh khoản.
Tuy nhiên, sau cuộc họp này, một số ý kiến cho rằng những nhận định mà ngành NH đưa ra vẫn chưa thật sự sát sườn với diễn biến thực tế. Bởi trong quý I-2017, hiện tượng dư thừa thanh khoản không diễn ra đối với tất cả các NH và mặt bằng lãi suất vẫn tăng cục bộ.
Lãi suất huy động từ đầu năm 2017 đến nay biến động theo hướng có tăng có giảm, song mức tăng cao hơn giảm, tần số tăng nhiều hơn giảm. Tăng lãi suất xuất hiện ở phần lớn các NHTMCP, nhất là các NHTMCP có quy mô vừa và nhỏ.
Nhóm NHTM có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank đều không điều chỉnh lãi suất kể từ cuối năm 2016 đến nay. Một số NHTMCP như Techcombank, MB, SHB, TPBank thời gian qua cũng không điều chỉnh lãi suất.
Trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 2-2016, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhận định, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều biến động so với tháng 1, tuy nhiên ở một số NHTM như VPBank, DongA Bank, TPBank, Techcombank, OCB, Eximbank vẫn tăng lãi suất huy động VNĐ, kỳ ngắn hạn tăng nhẹ từ 0,1-1,2% so với thời điểm trước Tết.
Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tiếp tục nhận định mặt bằng lãi suất huy động trong quý I-2017 có xu hướng tăng nhẹ kể từ tháng 3, tại các kỳ hạn ngắn lãi suất huy động được một số NH tăng thêm từ 0,1-0,5%.
Mặc dù thanh khoản của hệ thống vẫn ở mức an toàn, song đã có sự phân hóa giữa các nhóm NHTMCP nhỏ và nhóm NHTMCP lớn nên diễn ra hiện tượng một số NH cạnh tranh thu hút vốn bằng nâng lãi suất huy động. Chênh lệch lãi suất huy động giữa 2 nhóm NH này hiện khoảng 0,5%.
Thị trường gần đây cũng xôn xao về việc các NH phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên với lãi suất từ 8,2-9,2%/năm. Nhiều NHTMCP đang áp dụng ưu đãi tiết kiệm trực tuyến cộng thêm 0,1-0,3% so với lãi suất tại quầy. Với hình thức đó, hiện lãi suất tiết kiệm trực tuyến 24 tháng và 36 tháng của vài NH lên đến 8,2%/năm.
Các NH còn có nhiều chính sách thưởng lãi suất khác bên cạnh lãi suất niêm yết chính thức dành cho khách hàng ưu tiên hoặc qua sản phẩm khuyến mại. Điều này cho thấy mặc dù các NH không quá rầm rộ như trước đây nhưng cuộc đua lãi suất vẫn ngấm ngầm đang diễn ra.
Trong quý I-2017, tín dụng đã tăng nhanh hơn huy động, tăng khoảng 3,2%, mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây và cao hơn tốc độ tăng của huy động vốn (khoảng 3%). Theo Thông tư 36/2014, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, các NHTM trong nước được duy trì tỷ lệ cấp tín dụng (LDR) so với nguồn vốn huy động tối đa 80%.
Song tính cuối quý I, tỷ lệ LDR của toàn hệ thống khoảng 87,74%, trong đó tỷ lệ LDR của NHTMCP là 81,04%, nhóm NHTM có vốn nhà nước được NHNN cho phép duy trì tỷ lệ này ở mức 90% nhưng đã vượt mức (94,29%).
Song song đó, tính đến cuối tháng 3, tín dụng trung và dài hạn chiếm 55,2% tổng tín dụng và tăng khoảng 2,75%, nhưng thống kê một số NH tăng lãi suất trong quý I-2017 cho thấy tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bình quân khoảng 45,35%, mặc dù đáp ứng quy định hiện hành nhưng cao hơn mức trần quy định 40% sẽ được áp dụng vào năm 2018.
Chỉ số LDR và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhiều NH vẫn còn khoảng cách khá xa so với giới hạn mà NHNN đặt ra, nên các NH nhỏ chịu nhiều áp lực trong việc huy động vốn cải thiện thanh khoản. Ngay cả các NH tầm trung không có sức ép này cũng phải tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn nhằm nâng cao tổng nguồn vốn phát triển tín dụng.
Thị trường đang kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Vì vậy cần đánh giá chính xác nguyên nhân gây biến động lãi suất. Nếu lãi suất tăng cục bộ do mất cân đối về kỳ hạn giữa tiền gửi và tiền cho vay, khi đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ an toàn hoạt động, lãi suất sẽ ngừng tăng.
Nhưng nếu tăng lãi suất còn do các NH cạnh tranh với nhau, cạnh tranh với các kênh huy động khác, cần phải có biện pháp khắc phục để đảm bảo mục tiêu ổn định lãi suất.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH (theo saigondautu.com.vn)